image banner
Lịch sử

LỜI NÓI ĐẦU

An Lục Long trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nằm trong chiến trường vùng cài răng lược giữa ta và địch ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An, nơi gieo bao nỗi kinh hoàng, khủng khiếp đối với kẻ thù đi xâm lược. Sau giải phóng, An Lục Long được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Từ đó đến nay An Lục Long đang tiếp tục vượt qua những khó khăn thách thức trên con đường xây dựng và phát triển, đã và đang đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần cùng toàn huyện và toàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Truyền thống anh hùng trong đấu tranh cách mạng đã và đang được Đảng bộ, quân và dân xã An Lục Long kế thừa và phát huy cao độ trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hơn lúc nào hết, truyền thống trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc của quê hương Long An cần được giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, trở thành sức mạnh trong công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhằm thực hiện cho được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Việc ghi lại quá trình lịch sử mảnh đất, con người An Lục Long, những chiến công và những thành tựu đạt đựơc trong mấy chục năm qua là rất cần thiết. Đây cũng là tâm huyết và nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã cống hiến sức lực, trí tuệ, xương máu và cả tính mạng cho mảnh đất này; đồng thời là việc làm có ý nghĩa chính trị lớn lao. Được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành, lãnh đạo xã An Lục Long tổ chức sưu tầm biên soạn cuốn LỊCH SỬ ÐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ AN LỤC LONG (1930-2006).

Cuốn sách là kết quả của những cố gắng lớn của nhiều cơ quan ban ngành huyện Châu Thành và xã An Lục Long trong thời gian khá dài. Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử của huyện và xã trong các thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, đã giành nhiều tâm huyết và cung cấp tư liệu quý giá, xin cảm ơn toàn thể đồng chí đồng bào đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng ở địa phương suốt mấy chục năm qua. Xin cảm ơn sự giúp đỡ của Khoa Lịch Sử – trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã biên soạn và cùng chúng tôi hoàn thành cuốn sách này.

Trải qua nhiều biến cố, nhân chứng lịch sử của các thời kỳ cách mạng còn lại rất ít. Nhóm biên soạn cũng đã cố gắng gặp gỡ, thu nhập, chỉnh lý bổ sung tài liệu. Nhưng chắc chắn công trình chưa đầy đủ và còn nhiều khiếm khuyết. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các đồng chí và các bạn đọc.

An Lục Long, tháng 4 năm 2009

Ban thường vụ Đảng ủy xã An Lục Long

Mở đầu: AN LỤC LONG VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG

 I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ HÀNH CHÍNH

AN LỤC LONG là tên ghép những chữ đầu của ba làng An Tập, Tân Lục, Tân Long. Làng An Tập gồm vùng chợ Ông Bái, Nhà Việc, Lộ Đá; làng Tân Lục gồm vùng Cầu Đôi, Cầu Kinh, Cầu Đúc; làng Tân Long gồm đất Cầu Hàng, Cầu Đôi, Cầu Kinh (Quán Cạn) ấp Lộ Đá ngày nay là một phần của đất Gia Hội ngày xưa. Việc sát nhập này diễn ra theo Nghị định ngày 29/11/1923 do thống đốc Nam Kỳ COGNACQ ký nhằm thiết lập nền hành chính mới dưới chế độ thực dân.

Ngày nay An Lục Long là một trong 13 xã, thị trấn nằm ở phía đông nam thuộc vùng hạ huyện Châu Thành - Tỉnh Long An. Vị trí địa lý của An Lục Long như sau:

-       Phía Đông giáp xã Thanh Phú Long huyện Châu Thành, Long An

-       Phía Tây giáp xã Dương Xuân Hội và xã Long Trì cùng huyện

-       Phía Nam giáp xã Quơn Long, Tân Thuận Bình, Đăng Hưng Phước  (Tiền Giang)

-       Phía Bắc giáp xã Phước Tân Hưng, Thị Trấn Tàm Vu, huyện Châu Thành, Long An

Diện tích An Lục Long là 1.738,16 hécta; trong đó đất nông nghiệp chiếm 1.532,89 hécta; còn lại đất ở, giao thông thuỷ lợi. Dân số 12.174 nhân khẩu (2.711 hộ)[1]. Hiện An Lục Long có 12 ấp có tên gọi như sau:

1.           Ấp Lộ Đá                     

2.           Ấp Cầu Ván

3.           Ấp Cầu Hàng        

4.           Ấp Chợ Ông Bái 

5.           Ấp Cầu Đôi            

6.           Ấp Đồng Tre

7.           Ấp Cầu Đúc           

8.           Ấp Cầu Kinh

9.           Ấp Nhà Việc             

10.      Ấp Sông Tân (tách từ ấp Đồng Tre và ấp Cầu Đôi)

11.      Ấp Cầu Ông Bụi (tách từ ấp Nhà Việc).

12.      Ấp An Tập  (tách từ ấp Cầu Hàng và ấp Chợ Ông Bái)[2].

Ngược dòng thời gian, vùng An Lục Long xưa kia (đầu thế kỷ XIX) có nhiều làng (thôn) như: Song Thạch, Dương Xuân, Gia Hội, Tân Lục, An Tập, Tân Long... (tổng số khoảng 65 thôn).

Năm 1808, vua Gia Long chia đất Gia Định ra làm 2 trấn: Phiên An và Định Tường, An Lục Long thuộc trấn Định Tường. Năm 1867, thực dân Pháp chia Gia Định thành 7 hạt, trong đó có hạt Tân An. Tỉnh Tân An chính thức thành lập ngày 28/12/1899, trong đó có quận Châu Thành. Đến ngày 01/01/1900, chính quyền thuộc địa chia quận Châu Thành thành các tổng, làng Tân Lục, An Tập, Tân Long nằm trong tổng Thạnh Mục Hạ.

Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1956 An Lục Long thuộc Châu Thành. Năm 1956 chính quyền Sài Gòn sáp nhập hai tỉnh Tân An và Chợ Lớn thành tỉnh Long An, đổi Châu Thành thành Bình Phước, xã An Lục Long thuộc quận Bình Phước. Nhưng phía cách mạng vẫn gọi huyện Châu Thành

Từ năm 1976 Long An hợp nhất với Kiến Tường thành tỉnh Long An ngày nay. Đến năm 1977 Tân Trụ và Châu Thành cũng hợp nhất thành huyện Tân Châu, sau năm 1980 đổi Tân Châu thành huyện Vàm Cỏ; từ năm 1989 Vàm Cỏ tách trở lại Tân Trụ và Châu Thành.

Việc lập ấp, lập làng là công sức của nhiều đời nối tiếp nhau. Tuy nhiên, phải có người giàu có, có thế lực đứng ra khai khẩn xin phép thì mới được lập làng. Buổi đầu những người dân đến đây khai phá gần như tay trắng, về sau có kẻ giàu, người nghèo. Những quan lại mộ dân vào khai phá đều trở thành chủ điền lớn, dân được mộ thì thành tá điền, người làm công. Những ai tự mình đem cha mẹ, vợ con vào lập nghiệp bằng sự cần cù thì trở thành trung nông với 5-10 mẫu ruộng trong tay. Những người bị án đi đày biết cần kiệm cũng có được miếng vườn, khoảnh ruộng không khó lắm.

Từ khi Nam kỳ thành thuộc địa, chính quyền Pháp tạo điều kiện cho chủ điền chiếm ruộng càng nhiều và dựa vào giới này để cai trị. Người nông dân siêng năng cần cù nhưng dần dần bị mất ruộng. Lớp trung nông ngày càng ít đi vì không có thế lực. Lớp bần nông ngày càng đông đảo và trở thành lao động chính trong nông thôn.  

II. DÂN CƯ, XÃ HỘI VÀ TRUYỀN THỐNG

Dân cư làng Tân Long rất nghèo, phần lớn là người lưu lạc không vốn liếng, không phương tiện, chuyên làm mướn cho các ông chủ mở rộng khai hoang, như Thủ Cang, Cư, Tài, cả Diên, Quan v.v. Khi khai hoang xong, dân xin ông chủ 1 miếng đất nhỏ cất nhà cho vợ con ở và làm thuê cho chủ. Làng An Tập và Tân Lục ở theo ven rừng của sông Rạch Tràm, Quán Cạn, mùa nước lên thì ngập mặn, rừng rậm nhiều cây như: bần, xú, mắm và dừa nước. Rừng Bình Cách chạy dài đến Quán Cạn (cầu Kinh) đến Cầu Hàng và ra Rạch Tràm. Thuở mới khai phá, nơi đây còn nhiều thú rừng như cọp, heo, khỉ, voi...

Đầu thế kỷ XX, dân số 3 làng Tân Tập, An Lục, Tân Long rất ít, mỗi làng từ 30-50 hộ; Tân Long chỉ vài chục nóc gia. Người giàu có từ 10-20 mẫu ruộng, có trâu bò phương tiện canh tác, thuê mướn người nghèo lao động. Tuy có chủ tớ giàu nghèo, nhưng nói chung là đoàn kết giúp đỡ nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong khai hoang sản xuất làm ăn, dân cư đều là bà con dòng họ nên đùm bọc và che chở lẫn nhau.

Trước năm 1930, gần như 100% dân sinh sống bằng nghề làm ruộng. Người dân nơi đây chịu sự bóc lột của chủ điền và của thương lái người Hoa ở Tầm Vu và những nơi khác đến. Lúa gạo, cá mắm thì tự túc tự cấp. Tỉnh lộ 21 đã có nhưng không có xe đò. Muốn đi Tân An người dân phải đi bộ, đi ghe hoặc đi xe ngựa. Cả vùng chỉ có 1 chiếc xe đò, còn xe đạp đến năm 1945 toàn xã chỉ có 3 đến 4 chiếc.

Từ năm 1926, tại An Lục Long đã có nhà máy xay gạo do Trương Đình Miêng lập tại Cầu Hàng, do nơi đây thuận đường buôn bán với Chợ Gạo (Chợ Gạo lại là trung tâm buôn bán gạo, cau khô từ các tỉnh với Sài Gòn.). Về sau, An Lục Long có thêm nhà máy của Huỳnh Văn Đảnh. Tuy vậy, cho đến năm 1954, cách xay lúa giã gạo bằng tay vẫn còn phổ biến trong thôn ấp.

Lập làng ở vùng đất mới, người dân vẫn trọng việc học. Nhà khá giả cho con em đi học chữ Nho. Trường dạy chữ nho của ông đồ Trương Đình Quới ở ấp Nhà Việc. Về sau Pháp mở trường dạy chữ quốc ngữ để đào tạo người làm việc cho chúng. Dân thường không cho con đi học. Đến năm 1879, có trường Tổng Dương Xuân ở chợ Tầm Vu, nhưng ít người theo học. Chỉ một ít nhà khá giã mới đủ sức cho con đi học chữ quốc ngữ hay học chữ Tây.

Thời kỳ phong trào Đông Du, nhân dân muốn tiến bộ, nên cổ vũ cho con em hớt tóc cao đi học. Đến năm 1925, ông Trương Đình Miêng (cả Miêng) xuất tiền riêng xây một trường học tại Cầu Hàng (Cầu Đôi hiện nay), cũng do lòng ái quốc thúc đẩy, Xóm Cầu Hàng lúc đó chỉ có vài mươi nhà, học trò lớn nhưng trường chỉ có hai lớp. Học hết lớp thì phải ra trường Tổng ngoài Tầm Vu. Mỗi chiều tan học phải chạy miết từ Chợ Tầm Vu về nhà, dân cư thưa thớt, hai bên đường còn lùm bụi um tùm, đến nhà thì đỏ đèn[3].

Cả Tổng Thạnh Mục Hạ có 2 trường là trường Thuận Mỹ: 3 lớp, trường Phú Lộc (Thanh Phú Long): 2 lớp. Các trường tiểu học thì bỏ tiếng Việt từ lớp 3, học tiếng Pháp. Nói là trường dạy chữ quốc ngữ, nhưng học trò học chữ Tây là chính, chữ Việt được gọi là “sinh ngữ”. Trước năm 1930, chỉ có khoảng 10% dân biết chữ. Những người học tới sơ học rất ít như: Trần Văn Giàu, Trần Văn Quảng, Lê Ngọc Tài, Phan Văn Tới, Lê Văn Xương… đều là con nhà khá giả.

Ông cha ta khai phá vỡ hoang lập nên thôn ấp; thực dân Pháp đến cấu kết với địa chủ nắm hết ruộng đất, vơ vét của cải vật chất đem về làm giàu cho mẫu quốc. Chúng lệnh cho Hội tề lập bộ đinh từ 18 đến 60 tuổi (nam) phải đóng thuế thân, trâu bò điền thổ cũng lập bộ thu thuế, mua bán, cửa hàng vận chuyển cũng có bộ thuế, có môn bài. Pháp cho phát hành đồng tiền giấy: 1 đồng bằng 10 cắc, 1 cắc bằng 10 xu, sau đó có ½ xu, 100 đồng gọi là giấy cent nhưng ít ai có, trừ địa chủ.

Thuế thân là thứ thuế trực thu mà thực dân Pháp duy trì ở thuộc địa này. Người dân nghèo vô sản thì đóng thuế thân 1đ/năm, hữu sản đóng 1,5đ/năm, lúc ấy lúa 3 cắc/giạ. Thuế thân lên dần dần 3,3đ cho vô sản, 4,5đ/năm cho hữu sản, lúa lúc ấy 0,8 đến 1đ/giạ. Giấy thuế thân thay giấy căn cước có tác dụng đi lại giao dịch, không đóng thuế nổi thì phải trốn, ra đường ra chợ bị xét hỏi sẽ bị bắt đi tù.

Thực dân Pháp còn cho độc quyền rượu và á phiện, dân làm đám tiệc, cưới hỏi phải đến đại lý rượu (Régic Alcool) RA để mua, tự ý đặt là bị bắt. Tân An có đội lính Tây chuyên đi lục xét bắt rượu lậu. Á phiện tự do hút nhưng phải đến đại lý RO (Régic Opium), chợ quận, tỉnh, nơi nào cũng có đại lý RO, người giàu có mua đem về nhà hút. Các ông địa chủ, phú nông, Hội tề sau khi nhóm họp tiệc tùng thì bày ra mâm hút và cờ bạc. Đám cúng đình, tiệc giỗ, tiệc cưới cờ bạc đến 2-3 ngày sau chưa chấm dứt.

Dùng cường quyền cướp ruộng đất là việc làm của địa chủ, Hội tề và quan lại thân Pháp. Chúng thực hiện dưới các hình thức sau:

1. Nông dân khai hoang thành ruộng nhưng do nghèo và dốt nên không làm thủ tục đăng ký kê khai với chính quyền Pháp; trong lúc ấy Hội tề, địa chủ thân Pháp làm thủ tục đăng ký có bản đồ, có cột mốc, sau đó họ trình giấy chủ quyền bắt buộc nông dân giao đất, muốn tiếp tục canh tác phải đóng tô.

2. Không đóng tô nổi, nợ nần đành phải cầm, cố đất và bán cho địa chủ

3. Các gia đình có dính líu tới nghĩa quân chống Pháp muốn ở yên phải đem ruộng hối lộ cho Hội tề, địa chủ thân Pháp để được ở yên.

4. Nông dân có vài ha ruộng vì thiếu vốn, nợ nần cũng phải làm ruộng cho địa chủ.

Hơn 90% ruộng đất tập trung vào tay địa chủ. Trên 1.500 ha vào tay địa chủ ngoài làng như: Lê Phát Thanh, Lê Phát Du, Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Hùng, Nguyễn Hữu Danh. Cai tổng Thạnh mục Hạ Thanh Phú Long. Trần Thiện Hồ: Cai tổng Thanh Phú Long, Lâm Hoài Cẩn, Huỳnh Văn Tưởu: Cai tổng Thạnh Mục Thượng. Địa chủ ở tại xã này có ruộng nhiều nhất là Lê Ngọc Thơ (cả Thơ), Lê Ngọc Phát (cả Phát), Trương Đình Miêng (cả Miêng), Quan Oai, các ông Bái Hiền, Mai Văn Phú, Cả Cang, Phan Văn Huế (Hội đồng Huế), Trần Văn Chơi... mỗi người có từ 20-50 ha rồi phân chia cho con cháu, hình thành lớp phú nông, tiểu địa chủ.

Từ 1910 đến 1930, địa chủ lớn mạnh, nhân dân phải chịu 2 tầng bóc lột là địa chủ phong kiến và thực dân Pháp. Hàng năm nông dân hạng bần cố nông đến tháng 11-12 âm lịch thu hoạch lúa xong 1 ha chỉ đạt 70-80 giạ lúa phải hoàn tất thuế thân, thuế trâu bò cho nhà nước, nộp tô cho địa chủ từ 40-50 gịa/ha. Trả nợ vay, lúa vay, công lễ các khoản với địa chủ thì không còn lúa để ăn và làm mùa tới. Đã như thế từ 20 đến 25 tháng chạp âm lịch và đến tết phải đến làm công lễ cho địa chủ như: tảo mộ, làm vườn, đắp đường, bổ củi, lau chùi nhà cửa chuẩn bị tết cho địa chủ. Đem thân làm lao động gọi là công lễ chưa đủ mà phải đi tết 1 cặp gà vịt, gạo nếp, trái cây v.v…; có như thế mới yên ổn để tiếp tục làm ruộng năm tới. Do nhiều hình thức bóc lột nên nông dân bị đói lúc giáp hạt. Dân nghèo đói vay lúa ăn giáp hạt phải trả lãi 1 bằng 1,5 lần. Từ năm 1940 mới có giống lúa 3 Trăng, trong làng mới có 5-10 người làm 2 vụ lúa với giống 3 Trăng. Hạng cố nông đi làm thuê cho trung phú nông tiền công từ 0,3 đ đến 0,5 đồng 1 tháng. Công gặt lúa phải gánh về nhà chủ đạp, phơi, quạt xong 11 giạ lúa mới lấy được 1 giạ lúa ăn. Thời kỳ 1935-1940 mới có bồ cũi đập lúa, nhưng cũng phải gánh về tới nhà chủ và cũng với giá 11 lấy 1 giạ. Phụ nữ đi cấy 1 ngày công phải 10 tiếng đồng hồ và chỉ có bữa cơm trưa. Làng An Lục Long có chừng 30 phú nông và bao tá làm ruộng nhiều từ 28-50 ha. Nổi tiếng là ông Thôn Hạnh bao tá đến 50 ha, 90% dân trong làng cấy thuê, gặt mướn cho phú nông, địa chủ, hạng trung nông rất ít, họ tự làm lấy và vần công với hàng xóm.

Từ khi thực dân Pháp cai trị tạo nên lớp địa chủ, phú nông sở hữu hết ruộng đất trong làng tạo nên khoảng cách giữa giàu và nghèo quá xa và bóc lột quá lớn. Bóc lột vơ vét chưa đủ, thực dân Pháp còn bắt thanh niên từ 20-23 tuổi đi lính và tuyển chọn đưa về Pháp.

An Lục Long có lộ đá cắt ngang gọi là lộ 21, là tỉnh lộ nối liền một số  nơi về thị xã Tân An. Các lộ đất Nhà Việc, chợ Ông Bái, cầu Kinh... là do dân tự xây dựng. An Lục Long không có công trình, di tích văn hóa gì từ thời thực dân Pháp đô hộ để lại.

Dân làng An Lục Long nghèo khổ do thực dân Pháp, nhất là từ 1936-1939 nên kinh tế sa sút tột cùng, lúa còn 3 cắc 1 giạ, vải không có. Chiến tranh bùng nổ, Nhật vào chiếm Việt Nam bắt Pháp vơ vét lúa gạo, xăng dầu, thực phẩm để cung ứng cho quân đội Nhật. Nhật bắt Pháp và Hội tề kiểm soát lúa gạo, kiểm kê các vựa lúa, nhà máy xay, lúa gạo chở đi phải có giấy phép, chúng đưa lúa đi đốt nhà máy điện để có điện cung ứng cho chúng, trong khi dân không có gạo ăn.

Do vơ vét lúa gạo như vậy cả nước đều đói, miền Bắc chết vì đói trên 2 triệu người. Nhân dân làng An Lục Long cũng đói, bữa cháo bữa rau. Phú nông, địa chủ lo dự trữ lúa, 1 giạ lúa bán từ 1 lên 5đ. Người nghèo bữa cháo bữa rau đói tới tháng 10. Thời kỳ này lúa vàng mơ là phải canh giữ, vì dễ bị gặt trộm. Vải vóc họ giấu hết để bán chợ đen 5đ hoặc 6đ một mét vải. Dân nghèo đã đói có tiền đâu mua vải đành mặc rách, chầm vá, tả tơi, có người lấy bao bố may quần áo để đi lao động, có người mặc quần ngắn bằng bàng, (đệm) đi lao động. Nhiều cảnh vợ chồng mặc chung một bộ đồ. Đa số mặc quần ngắn hoặc ở trần đi lao động. Hương quản Mai Văn Phát hướng dẫn trong làng có 4 điểm dệt vải ta. Nhà ông cũng là 1 điểm kéo sợi dệt vải. Có vải ta cũng đỡ cho 1 số người nghèo, nhưng không xà phòng giặt giũ rận, rệp phát triển đều khắp.

Xăng dầu Nhật vơ vét hết phục vụ cho chiến tranh, dân trong làng ai khá lắm còn giữ 1 xị dầu lửa để bắt gió cạo lưng khi đau yếu. Toàn dân trong làng thắp đèn bằng dầu dừa, bằng trái mù u. Ở Tân Lục có nhiều cây dừa cả xóm làm lò ép dầu dừa bán cho nhiều nơi thắp sáng (người ta gọi xóm ấy là xóm dầu). Xe đò chạy bằng than, xe đạp không có ruột chạy bánh cao su đặc. Những năm mưa muộn, 3 cái ao dân đào để chứa nước trong làng đều cạn, dân không nước xài. Cuối năm 1944 bệnh dịch tả hoành hành, dịch lan truyền đến An Lục Long nhân dân kinh hoàng khiếp sợ, dân sống chết tự lo lấy, chính quyền thực dân và tay sai bỏ mặc dân.

Trong tình thế đó, Việt Minh đã bí mật hoạt động ở Làng Quơn Long, ngoài ra có hội Ái Hữu hướng dẫn lập Ban cứu cấp để chận đứng dịch tả. Ông Hương quản Phát đỡ đầu nên toàn làng An Lục Long đều có Ban cứu cấp, mỗi ban có từ 5 đến 7 người. Toa thuốc rượu trị bệnh dịch tả được phổ biến và một số dụng cụ cắt giác hơi, châm cứu, bấm huyệt v.v. Ban cứu cấp được nhân dân ủng hộ. Nơi nào có người bệnh đánh mõ một hồi dài là Ban cứu cấp chạy đến khám và trị bệnh, nhờ vậy toàn làng An Lục Long ngăn chặn được bệnh dịch tả, chỉ chết vài người.

Về đời sống tâm linh, mỗi thôn đều có đình thờ sắc thần là tên họ vị quan được phong và đưa về thôn ấp để dân thờ cúng. Đình chẳng những thờ thần do Vua phong mà còn thờ Tiền Hiền là những người đến trước sáng lập thôn ấp và Hậu Hiền là những người kế tiếp sau này. Thờ cúng đình là phong tục lâu đời của người dân; người ta quan niệm làm ăn được mùa, mạnh khoẻ, may mắn là nhờ ơn các thần phù hộ. Người dân tráng kiện phải đi làm sưu như đào kinh Bảo Định Giang, đắp thành, trấn…, cuộc sống quanh năm cực nhọc, ngày hội hè duy nhất là cúng đình. Do nhập 3 làng, nên An Lục Long có nhiều đình với những hình thức và ngày cúng khác nhau. Hiện nay còn các đình sau đây:

- Đình An Tập, bị bom làm sập năm 1954, nay đã xây dựng lại

- Đình Tân Lục có từ trước năm 1805, do kiến họ Lê Ngọc lập, đã dời đổi nhiều lần.

- Đình Tân Long còn gọi là đình Cây Da nước lạnh, tuy đã hư hỏng nhưng nhân dân vẫn còn cúng kiến.

- Đình Song Tân lập muộn hơn, có sắc thần từ đời Vua Tự Đức.

- Đình Gia Hội của làng Gia Hội, lập sau các đình kể trên.

Mỗi đình có ngày cúng riêng. Mỗi lần cúng làm hai con heo, một để đưa khách, một để cúng thần. Cúng đình có kèm theo hát bội (hát bộ) gọi là hát lệ kéo dài ba ngày, thường là làng mời gánh hát về. Trong buổi hát xây chầu, hương chức, hội tề áo dài khăn đóng quì trước bàn thờ thần có trò lễ đi theo tiếng nhạc để đào kép trình tuồng xem mặt. Sau đó gánh hát diễn các tuồng dựa vào các tích truyện tàu. Dân trong làng mỗi nhà mang 2 mâm xôi tới làng để cúng. Gìa, trẻ, trai, gái kéo nhau xem hát bội suốt 3 ngày. Ngoài ra, còn có lễ cầu đạo xin trời mưa vào những năm hạn hán.

Suốt 80 năm thực dân Pháp cai trị làng An Lục Long không có ai ra tranh cử chức Cai Tổng vì không có đủ tiêu chuẩn về ruộng đất. Chức Cai Tổng Thạnh Mục Hạ thay phiên nhau ở làng Thanh Phú Long trong xóm nhà giàu (La Cua). Dòng họ Nguyễn Hữu Hùng, dòng họ Trần Thiện Hổ cũng đắc cử 1 phiên, rồi đến Cai Tổng Huế là cuối cùng.

Làng có 12 hương chức hội tề từ Chánh Lục Bộ lên đến Hương Cả. Hai chức quan trọng là Xã trưởng và Hương quản. Xã trưởng giữ con dấu, ký tên mọi văn kiện và đóng dấu, lập bộ thu thuế, điền thổ, thuế trâu bò và môn bài.... Hương quản có quyền lực về trật tự, an ninh, giữ súng, đi tuần tra, có quyền bắt bớ và tống giam tại nhà việc. Các Hương chức khác ít quyền hạn chỉ đi hội, dự tiệc, ở ấp có Phó Hương quản vừa là chủ ấp vừa phụ tá Hương quản. Ở An Lục Long các chức hội tề trong làng thay phiên và quanh quẩn các dòng họ Trương Đình, Lê Ngọc, Nguyễn Phước và Mai Văn... Nguyễn Phước Hiền tức ông Bái Hiền ở An Tập (chợ Ông Bái) con làm Hương Cả Nguyễn Phước Lợi. Cháu nội làm hương quản Nguyễn Phước Mạnh (1936-1940) các người trong dòng họ cũng vô được hội tề như Chủ Hậu, Thôn Thiền, Thôn Hạnh... Ông Mai Văn Phú và thân phụ từ Bà Rịa chạy vào An Lục Long lánh nạn mua được nhiều đất đai từng bước được vào hội tề lên đến hương cả và đem con là Mai Văn Phát làm Hương quản (1940-1945).

Ở ấp Cầu Hàng có Trương Đình Miêng  theo hội tề gần 20 năm, đưa con làm Hương quản Trương Đình Dược, cháu nội là Hương thân. Hai gia đình kinh doanh nhà máy xay lúa gạo, lập chợ mua bán thương nghiệp nên ruộng đất ít.

Ở Tân Lục có dòng họ Lê Ngọc nắm quyền hội tề khá lâu như Hương cả Lê Ngọc Thơ - Dư - Phát - địa chủ cỡ lớn của làng An Lục Long mỗi người có không dưới 100 ha ruộng. Tân Lục có hương cả Cang ruộng đất không nhiều và không ác với dân.

Tiếng súng thực dân Pháp tấn công thành Gia Định (1859) ảnh hưởng nhiều người dân An Lục Long vì nơi đây rất gần Sài Gòn. Giữa tháng 3-1861, Pháp chiếm huyện lỵ Phước Lộc (Cần Giuộc) và tiến qua Mỹ Tho, Gò Công. Phản ứng đầu tiên của dân là bàng hoàng đau lòng trước cảnh:

“Bến Nghé của tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”.

Sĩ phu Nam bộ không thể ngồi trước cái thế cầu hòa, chủ hàng của triều đình Huế, nên đã khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa của Trương Định lôi kéo nhiều nông dân An Lục Long tham gia nghĩa quân, trong đó có Lê Ngọc Thất (sau tử trận tại Gò Công). Mai Văn Tấn cũng tham gia nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đánh tàu Espérence trên sông Nhật Tảo.

Cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương trên địa bàn Tân An, Mỹ Tho từ 1861, hình thành mặt trận chống Pháp trải từ Gò Công đến Bình Cách cũng lôi kéo nhiều nông dân bỏ cày theo cờ khởi nghĩa. Có gia đình cụ Trần Văn Giàu (vùng An Lục Long giáp Long Trì) đã có 7 người là nghĩa quân của Thủ Khoa Huân, bị Pháp giết cùng một ngày, chôn một chỗ.

Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự (bạn học của Nguyễn Thông) cũng là nghĩa quân của Thủ Khoa Huân. Hai ông bị Pháp bắt và xử tử vào năm 1876.

Nhân dân còn truyền nhau câu chuyện kể về giặc Ma Ní (tức giặc Pháp) gồm 7 tên trong một trận giáp chiến trên đất An Lục Long bị dân làng đánh giết và đóng cọc xiềng lại. Chứng tỏ thái độ của nhân dân An Lục Long rất căm thù giặc xâm lăng. Dân An Lục Long theo cờ nghĩa của sĩ phu Nam Bộ, không ngại tàu sắt súng đồng của giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Phong trào đó đã ươm mầm và nuôi dưỡng ý chí bất khuất cho thế hệ con cháu. Lòng ái quốc thể hiện ở việc dám chống lệnh triều đình để kiên quyết chống giặc Pháp. Lòng ái quốc ấy âm ỉ cháy; đến khi tư tưởng cộng sản xâm nhập vào vùng đất này, thì nó bùng lên mạnh mẽ.

Phần thứ nhất: AN LỤC LONG TRONG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG VÀ KHÁNG CHIẾN CỨU NƯỚC (1930-1975)

 I. AN LỤC LONG TRONG ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930-1945)

 1. Những hạt giống cách mạng đầu tiên ở An Lục Long

Thực dân Pháp bắt bớ giam cầm và bắn giết tàn bạo, nhưng không giết được lòng yêu nước của nhân dân An Lục Long. Các Hội kín len lỏi tổ chức trong dân có tên gọi là Thiên Địa Hội. Ông Đoàn Công Đa tức Hương Chánh Đa làng Tân Long tham gia tổ chức Thiên Địa Hội tại An Lục Long. Cùng trong tổ chức có ông Tham Tòng ở Tân Long, cụ Trần Văn Giác anh ruột cụ Trần Văn Giàu ở Tân Lục.

Thiên Địa Hội do Đoàn Công Đa chỉ huy có kế hoạch phá khám lớn Sài Gòn. Ông Đa đưa quân từ Tân Lục, Tân Long (An Lục Long) đến Cần Giuộc thâm nhập vào Sài Gòn. Cuộc chiến thất bại, Đoàn Công Đa trở về nhà vì quá mệt mỏi do nhiều đêm mất ngủ, ông bỏ quên con dấu và tài liệu ở khạp gạo và ngủ đến trưa hôm sau, ông bị bao vây và bị bắt tại nhà có đủ tài liệu. Nhờ lanh trí ông khai chiều hôm trước đi làm ruộng thấy một gói có mấy món đó, ông không biết vật gì vì ông không biết chữ nên đem về cất, chứ biết là đồ quốc cấm thì đi báo rồi. Lý do như thế nên 6 tháng ông được thả ra, phong trào Thiên Địa Hội cũng tan rã.

Tại làng Quơn Long giáp ranh An Lục Long có thầy giáo Thiện con ông Bái Nhân gia đình phú nông có học thức, ông tiếp nhận đường lối của Đảng cộng sản, ông hướng dẫn nông dân vào Hội Ái Hữu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và đấu tranh đòi ngày làm 8 giờ, giá nhân công do 2 bên thoả thuận. Thầy giáo Thiện có vợ là bà Mười Vui ở Thanh Phú Long nên ông Thiện thường đến Thanh Phú Long truyền bá và tổ chức Hội Ái Hữu. Ông Thiện đến An Lục Long thường đi với ông Lương Văn Biện (thầy Chùa Lửa) đến nhà bác Chín Biện, Bác Tám Ban và bác Đoàn Công Đăng, ông cũng đến Cầu Hàng, cầu Đôi gặp ông Mười Thứ. Hội Ái Hữu được tuyên truyền quảng bá rộng rãi ở An Lục Long. Ông hướng dẫn đấu tranh ngày làm 8 giờ, cấy có xôi buổi sáng, cấy có vạn cấy, gặt lúa có vạn đập để thương lượng giá cả với chủ ruộng. Hội tề Quơn Long đàn áp Hội Ái Hữu bắt bớ người cầm đầu đòi giá cả và giờ làm, thầy giáo Thiện bị bắt đày đi Côn Đảo.

Ở An Lục Long hương quản Nguyễn văn Mạnh cũng khủng bố hội Ái Hữu, bắt những người cầm đầu đấu tranh như Sáu Bông, Mười Tính… Hương quản Mạnh liên kết với Hội tề Thanh Phú Long để tìm bắt ông Lương Văn Biện (thầy Chùa Lửa). Ở An Lục Long, hội Ái hữu không ra công khai được nhưng phong trào đấu tranh ngày làm 8 giờ được nhân dân hưởng ứng. Chị em phụ nữ và vạn cấy của ông bầu Đoàn Công Đăng số lượng lên đến 3 tháng công, yêu sách ngày làm 8 giờ, buổi sáng có xôi, lần lượt được các chủ ruộng chấp nhận, nếu không thì ruộng bị bỏ hoang.

Rút kinh nghiệm thắng lợi của các vạn cấy, vạn đập gặt lúa cũng liên kết định giá với chủ ruộng từ 11 giạ xuống còn 9 giạ lấy công 1 giạ, nhưng đấu tranh giá công đập gặt gặp nhiều khó khăn vì con cháu chủ ruộng xé rào đi đập gặt cho chủ, Mười Tính chủ trương đốt bồ củi của những người xé rào. Tuy bị  Hương quản Mạnh khủng bố, bắt bớ, vạn đập đình công, nhưng cuối cùng buộc lòng địa chủ, phú nông phải nhượng bộ.

Phong trào đấu tranh ngày làm 8 giờ, cấy có xôi, bãi bỏ giá công đập cũ từ ấp chợ Ông Bái lan truyền ra toàn làng An Lục Long và nhiều nơi khác. Hội tề làng An Lục Long rất tức tối, đàn áp phong trào. Hương quản Mạnh đến từng đám cấy, đám đập gặt tìm người cầm đầu đe doạ cho rằng đòi xôi, đòi 8 giờ, đòi giá là cộng sản, bắt một số người như Sáu Bông, Mười Tính. Thế là có ngay một tờ truyền đơn kể tội quản Mạnh dán ở cầu Đôi đòi mổ bụng đôi trâu của Hương quản Mạnh, y lồng lộn chống cộng sản, bắt dân làng kể cả các ông già gặp quản Mạnh phải lột khăn cúi đầu chào, nếu không bị cho là cộng sản.

Phong trào đấu tranh rất thiết thực với đời sống, chỉ vài cuộc đình công không đi cấy, không gặt lúa với lý do đơn giản là bận việc, đau yếu… là ruộng bị bỏ hoang. Do đó địa chủ phú nông đành nhượng bộ công nhận ngày làm 8 giờ, tăng giá công gặt đập. Phong trào đòi bỏ công lễ mễ, đòi giảm tô, bỏ giạ điền… các địa chủ ngoài tỉnh lần lượt chấp nhận cho tính giá lúa ruộng bằng tiền có cao hơn chút đỉnh.

Hội Ái hữu không còn hoạt động, nhưng các tổ chức biến tướng vạn cấy, vạn đập gặt đã đem lại kết quả khả quan. Chính những hoạt động yêu nước trong bối cảnh kinh tế, chính trị ấy, mà tư tưởng Cộng sản đã thâm nhập, khơi dậy một tinh thần yêu nước kiểu mới và vạch ra con đường tự giải thoát khỏi đói nghèo áp bức.

Nhóm đảng viên từ Quơn Long Chợ Gạo(Mỹ Tho) như: thầy giáo Thiện, Ký Khánh, Chín Biên, Mười Mươi sang hoạt động ở vùng An Lục Long, Thanh Phú Long từ giữa những năm 1930. Đến khoảng tháng 6 năm 1935 một Chi bộ liên xã An Lục Long, Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông ra đời gồm các đồng chí Nguyễn Đoan Duy, Nguyễn Văn Mười (Mười Mươi), Chín Biên, Ký Khánh… do đồng chí Nguyễn Đoan Duy làm Bí thư. Đến năm 1937 có thêm Hai Phát tức Mai Văn Phát ở An Lục Long. Trong điều kiện khó khăn, lực lượng mỏng, chi bộ hoạt động bí mật với phương thức rỉ tai từng người, thỉnh thoảng hội hợp trao đổi tài liệu.

Năm 1936, để chuẩn bị cho hoạt động đấu tranh dân chủ, Tỉnh ủy dời về nhà của đồng chí Nguyễn Văn Hoằng ở dốc cầu Đúc (nay là đường Trưng Nữ Vương). Chính từ nơi đây, chỉ thị, tài liệu tuyên truyền của Đảng từ Xứ ủy đưa về được phân phát đi khắp nơi; qua đó ảnh hưởng của đảng ngày càng sâu rộng trong quần chúng.

Trần Văn Giàu về quê diễn thuyết ở An Lục Long, Châu Văn Giác diễn thuyết ở Dương Xuân Hội. Các cháu Trần Văn Giàu là Trần văn Quản, Trần Văn Nam cũng trở thành cán bộ tuyên truyền ở An Lục Long và Long Trì. Các thầy giáo Thiện, Nhu, Chín Biên cũng diễn thuyết truyền bá chủ nghĩa yêu nước ở Chợ Gạo, Thanh Phú Long, An Lục Long. Các ông này đều là người có học thức, hiểu biết nhiều thực cảnh nông thôn và nông dân, nên có ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp nông dân kể cả phú nông. Trước đây do bọn tay sai Pháp xuyên tạc rằng cộng sản là cướp của nhà giàu, cộng sản tàn ác mổ bụng. Nay tận mắt thấy, tai nghe những người cộng sản có học thức đứng ra diễn thuyết và kêu gọi đấu tranh vì quyền lợi nông dân, đấu tranh yêu nước theo Đảng cộng sản lãnh đạo, họ thấy không giống như lời bịa đặt của bọn tay sai.

Có lần ông Trần Văn Giàu về diễn thuyết ở An Lục Long, bọn tay sai mật thám theo dõi bao vây để bí mật bắt cóc ông, nhưng quần chúng An Lục Long cải trang cho ông, che chở ông thoát khỏi vòng vây của mật thám. Dù ông không hoạt động ở tại chỗ, người dân An Lục Long ai cũng đồn đại về “trò Giàu” là “học giỏi được đi Tây, được đi Nga hiện đang làm cộng sản”. Bên cạnh đó hoạt động của Trần Văn Quản, Trần Văn Nam, cháu gọi Trần Văn Giàu bằng chú và là cán bộ của Xứ ủy Nam kỳ. Vừa hoạt động ở Dương Xuân Hội, các ông Quản và Nam bắt liên lạc với nhóm Giáo Thiện, hội hợp tại nhà trá hình bằng cách mời thầy Ba Kiên đến dạy đàn, nhưng thực chất là hội họp, bàn chuyện cách mạng...

Thực dân Pháp luôn xuyên tạc cộng sản là ăn cướp, giết người mổ bụng dồn trấu, nên người dân hiểu người cộng sản rất mơ hồ. Họ nghĩ cộng sản giống như Thiên Địa Hội, cũng làm quốc sự, cướp của người giàu chia cho người nghèo. Như thế cũng tốt, tình cảm được nhen lên. Hình ảnh của Trần Văn Giàu, Trần Văn Quản, Châu Văn Giác diễn thuyết rõ nét hơn. Những người này phá vỡ luận điệu tuyên truyền trước đây của địch; nhân dân có niềm tin và tình cảm với cộng sản nhiều hơn.

Năm 1937, chi bộ liên xã có Mai Văn Phát (Hai Phát) tổ chức Hội Ái Hữu ở chợ Ông Bái (sáu người) Đồng Tre (hai người) Xóm Rẩy (một người), hội nông dân trợ tán, hội banh ở cầu Kinh. Thông qua các tổ chức này, người dân ở An Lục Long thấy người cộng sản đấu tranh cho quyền lợi của họ như: đòi giảm giờ làm, đi cấy phải có xôi; Hội Aí hữu đã hướng dẫn nông dân đấu tranh trực tiếp với địa chủ đòi tăng giá… Những người ấy không nói về lý luận mác xít, chỉ nắm 2 vấn đề cơ bản là giành độc lập cho đất nước và giành ruộng đất cho dân cày. Nhưng thật dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm theo.

Những người cộng sản hoạt động theo phương thức chủ yếu là chọn người cảm tình, nhận xét rồi tuyên truyền rỉ tai từng người một. Hội họp hội Aí hữu thường tổ chức ban đêm ngoài đồng… Nhờ vậy từ năm 1937 trở đi, dựa vào hoạt động của hội Aí hữu, số nồng cốt tăng lên.

Các năm 1939-1940, Hương quản Mạnh đàn áp cộng sản lùng sục các ấp chợ Ông Bái, cầu Đôi, cầu Hàng tìm dấu vết ông Lương Văn Biện (thầy Chùa Lửa) v.v. Lúc ấy ông Mai Văn Phát giữ chức Hương thân, ông Mai Văn Phú Hương chủ. Mai Văn Phát có cảm tình với cộng sản và được vào Đảng năm 1936. Sau đó được phân công xây dựng cơ sở cách mạng ở An Lục Long. Mai Văn Phát được hướng dẫn mai phục trong lòng địch để ủng hộ cách mạng. Mai văn Phát nhận chức Hương quản thay Hương quản Mạnh lên chức Hương trưởng, ông Mai Văn Phú lên Hương Cả. Cài được Mai Văn Phát vào chức Hương quản làng An Lục Long là thắng lợi lớn. Có lúc Mai Văn Phát làm việc tại nhà để cho đồng chí Mười Mươi, Lương Văn Biện ở và hoạt động.

Cuối năm 1940 Nam Kỳ khởi nghĩa. Những đảng viên của An Lục Long sang Quơn Long tham gia mũi tấn công của chợ Gạo. Một số đảng viên khác chiếm nhà việc Thanh Phú Long và Thanh Vĩnh Đông, đốt sạch sổ bộ, tước cây súng lửa của thầy Ban Cương (vì thế anh em mới đặt tên cho người tước súng là Thầy Chùa Lửa).

Sau khởi nghĩa, phong trào quần chúng không dấy lên được do địch đàn áp, khủng bố. Quần chúng vẫn tin theo cộng sản, những đảng viên cộng sản còn lại bị bắt và tù đày; nhưng khi vượt ngục ra ngoài hoặc được trả tự do là lại quay về họat động yêu nước và cách mạng.

 2. Giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945

Trước tình thế nhân dân 1 cổ 2 tròng nô lệ, đồng chí Mai Văn Phát chỉ đạo tổ chức Ban Cứu cấp để trị bệnh cho dân, tổ chức tổ học võ thuật để bảo vệ xóm làng. Ông Mười Thứ ở ấp Cầu Hàng biết võ, nên đồng chí Mai Văn Phát chỉ đạo tổ chức mỗi ấp 1 tổ 3 người học võ thuật, trang bị dao găm và phi tiêu, người ở các ấp phần lớn do đồng chí Phát lựa chọn và giới thiệu ông Mười Thứ đến dạy. Ông Năm Cử ở ấp Cầu hàng được đồng chí Mai Văn Phát chỉ đạo lập mỗi ấp 1 tổ các ấp đồng chí Phát là thầy thuốc nên đã truyền cho ông Năm Cử toa thuốc rượu trị bệnh dịch tả, cách châm cứu, cạo gió và trị một số bệnh. Người ở các ấp cũng do đồng chí Mai Văn Phát lựa chọn và giao cho Năm Cử hướng dẫn. Được biết một số người ở các tổ chức này như sau: Tổ võ thuật: Ba Tính, Tám Hóc, Sáu Bông, Ấp chợ Ông Bái. Tổ Cứu cấp: Ba Chà, Tám Đức, Lê Phát Sáu, Ba Đáo, Sáu Đệ… Xóm Đồng Nhà việc: Sáu Bụi phụ trách tổ võ thuật; Mười Hữu phụ trách tổ cứu cấp; Tân Lục do Tám Nam và Thưởng phụ trách 2 tổ này. Cầu Kinh do Bảy Tiên phụ trách 2 tổ võ thuật và cứu cấp.

Phong trào cứu cấp ở An Lục Long có tiếng vang và chặn đứng được bệnh dịch tả, nhân dân rất yên tâm và tin tưởng, 1 số xã lân cận đến học tập cách điều trị và xin toa thuốc rượu. Tổ võ thuật, rèn dao găm, mã tấu và phi tiêu, luyện tập hằng đêm bảo vệ xóm làng nên được yên ổn.

Tháng 3/1942, những người cộng sản ở địa phương đã bắt liên lạc được với Tân An. Tháng 4/1943, Huyện Uỷ lâm thời huyện Châu Thành thành lập tại nhà Bà Hai Một (An Lục Long). Huyện ủy gồm các đồng chí Mười Mươi (Bí thư), Hai Phát, Ba Tân, Thầy Chùa Lửa, Tần Hữu.

Đồng chí Mai Văn Phát xây dựng chi bộ An Lục Long. Ông Ba Tính được đồng chí Mai Văn Phát giới thiệu và đồng chí Lữ Đồng Tân đứng ra kết nạp vào Đảng tháng 12/1944 tại Gò Mã trước nhà Ba Phi và đưa đi gặp đồng chí Mười Mươi huấn luyện tại nhà bỏ trống của Ba Tôn (em Hai Quới). Các Đồng chí Năm Cử, Sáu Bụi, Mai Văn Hoá (Tám Ngọc em Hai Phát), Tám Nam, Bảy Tiên, Hai Tòng… cũng lần lượt kết nạp vào Đảng.

Cuối năm 1944 đầu năm 1945, thực dân Pháp và phát xít Nhật ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân Nam bộ. Chúng tăng thuế dân, lập nhà kho thu lúa, chiếm đất trồng bông, trồng đay… Ở nông thôn, bà con phải dùng đá lửa bùi nhùi hoặc đốt con cúi thay cho hộp quẹt, dùng đèn mù u thay cho dầu lửa, lấy lá chuối khô hoặc lá trâm bầu để vấn thuốc hút… Sốt rét không có thuốc ký ninh, bệnh ghẻ lan tràn. Người nghèo áo mục không dám giặt, mùng mục không dám vắt lên sợ mau rách, có người phải lấy bao bố thay quần áo.

Giữa lúc dân Nam bộ sống rách rưới, thì Nhật lấy lúa chụm nồi xúp-de nhà đèn Chợ Quán thay cho than vì than đá từ Hòn Gai không chở về được. Dân đói khổ ăn cắp lúa, giặc Nhật bắt được đem chặt tay. Mặc dù thực dân Pháp cố tình bưng bít, nhưng các đảng viên như Hai Phát, Cả Canh… khéo léo lợi dụng thế hợp pháp, sử dụng các loại báo chí, công khai tuyên truyền vạch rõ thế yếu của thực dân Pháp, Liên Xô cộng sản mới thực sự là một nước hùng mạnh.

Tháng 3 năm 1945, chi bộ An Lục Long chính thức được thành lập, tại nhà đồng chí Hai Tòng (cầu Hàng) do đồng chí Mai Văn Phát sắp xếp và hướng dẫn, chi bộ họp lần đầu tiên để bầu Bí thư chi bộ. Đồng chí Đoàn Công Tính (Ba Tính) làm Bí thư. Đảng viên gồm các đồng chí: Mai Văn Ngọc (Tám Hoá), Bảy Tiên, Tám Nam, Năm Cử, Sáu Bụi, Hai Tòng.

Đồng chí Mai Văn Phát trình bày tình hình cấp bách vì Đảng ta đứng về phe Đồng minh đánh phát xít Đức-Ý-Nhật. Liên Xô đã phản công chiếm gần hết nước Đức. Đức-Ý-Nhật sắp đầu hàng, ta phải cướp chính quyền từ tay Nhật. Thời cơ ngàn năm có một, không để đồng minh Anh-Pháp-Mỹ vào Việt Nam giải giới quân Nhật chúng sẽ giúp Pháp chiếm lại Việt Nam.

Chi bộ phải gấp rút trang bị vũ khí thô sơ như tầm vông vạt nhọn, dao găm, mã tấu, phi tiêu, cho các tổ võ thuật thành tổ vũ trang của Việt Minh, các tổ cứu cấp, tổ võ thuật đều gia nhập Việt Minh. Với không khí hào hứng phấn khởi, hoạt động ngày đêm xây dựng lực lượng chuẩn bị cướp chính quyền. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, bắt Pháp nhốt hết, tổ chức bộ máy cai trị của Nhật là Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng bộ máy Hội tề ở làng xã để nguyên.

Chiến tranh thế giới lần thứ II đi vào kết thúc, tình hình thế giới biến chuyển mau lẹ. Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện; quân đội Nhật ở Đông Dương rã rời. Quân đội đồng minh sắp tiến vào Đông Dương để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật, trong đó có quân đội Pháp. Tình thế thật là thúc bách, số phận đất nước ta sẽ ra sao nếu Pháp khôi phục lại quyền đô hộ ?

Ngày 20-8-1945, xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu chủ trì họp tại Chợ Đệm quyết định chọn Tân An là nơi thí điểm cướp chính quyền vào ngày 23-8 để dự định đến ngày 25 tháng 8, toàn Nam Bộ sẽ đồng loạt khởi nghĩa.

Tại An Lục Long, tốc độ phát triển đảng viên và cơ sở cách mạng tăng nhanh. Đầu tháng 6 năm 1945, chi bộ xã lãnh đạo thành lập lực lượng thanh niên tiền phong, cử đồng chí Tư Ngâm (Lê Thanh) tổ chức. Thanh niên tiền phong ở An Lục Long ngay từ đầu đã thu hút được các tầng lớp trung nông, khá giả, các gia đình địa chủ như Cai Tửu, Cả Thơ và tề xã cũng có người xin gia nhập. Còn giới bần nông thì hết sức tán thành và ủng hộ hết mình.

Thanh niên tiền phong mỗi người tự trang bị dao, mác, tầm vông vạt nhọn có kèm một cọng dây luộc, tập chiến đấu. Lời thề của Thanh niên tiền phong là: “Tôi luôn luôn hết lòng hy sinh cho Tổ quốc”. Lúc đầu những người như Mười Thứ, Nhì Cự, Năm Cử tụ tập anh em lại luyện tập lại võ nghệ, múa kiếm, ném phi tiêu. Thanh niên tiền phong tổ chức hội cứu cấp, hễ nghe tiếng mõ ở đâu là chạy tới ngay để giúp người trong cơn hoạn nạn. Những người tích cực nhất là Tám Phùng, Hai Ty, Mười Hữu, Sáu Bụi, Tư Nhật, Nhì Cự... Cứu chữa bệnh tả chủ yếu là cắt giác, cho uống thuốc rượu ngâm quế, ô môi… nhưng thái độ chăm sóc tận tình làm cho bà con mến phục. Trong hoạt động xã hội, các đoàn viên Thanh niên tiền phong rỉ tai tuyên truyền và mở rộng phong trào. Đầu tháng 8-1945 đã nghe vang các thôn xã làng xóm bài hát “Lên Đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Biến tráng sinh thành chiến sĩ”... Ông Lê Kim Trọng ở An Lục Long ấp chợ Ông Bái nhận chức Quận Trưởng Thanh niên tiền phong. Cháu ông Trọng là Lê Minh Gương nhận Đoàn trưởng Thanh niên tiền phong làng An Lục Long. Tất cả thanh niên trong làng đều vào Việt Minh hoặc Thanh niên tiền phong, đều được trang bị tầm vông vạt nhọn. Các ấp xóm đều có trạm gác ngày và đêm để phòng bọn cướp và người lạ mặt vào ấp xóm.

Huyện ủy Châu Thành (lúc ấy gọi là huyện D) đóng tại ấp Bầu Dài (nhà của Biện Phụng ở Thanh Phú Long) đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, khi nào nhận được “Nghị quyết đỏ” thì hành động.

Sáng ngày 21 tháng 8 năm 1945, đồng chí  Hùng Sinh (lúc đó làm bảo vệ cho Tỉnh Uỷ) từ Tân An  xuống liên lạc với với Huyện ủy Châu Thành bằng xe đạp. Nhận được Nghị quyết, Huyện ủy chỉ đạo các chi bộ chuẩn bị ráo riết cướp chính quyền.

Đồng chí Mai Văn Phát huy động lực lượng, cờ, băng kéo đến nhà việc An Lục Long. Đồng chí Mai Văn Phát đứng lên phát hồi trống lệnh và tuyên bố giải tán tề làng An Lục Long. Tất cả những người làm việc cho Pháp, Nhật, Hội tề phải đến trình diện, nộp vũ khí và các giấy tờ cho chính quyền lâm thời của cách mạng, kể từ nay chính quyền thuộc về tay nhân dân. Thế là ngày 21-8-1945 cuộc giành chính quyền đã thành công ở xã An Lục Long.

Làng An Lục Long có 2 khẩu súng, 1 do ông Hương Cả Mai Văn Phú là thân phụ Mai Văn Phát và 1 khẩu do ông Hương quản Phát giữ, tất cả giao lại cho đồng chí Mai Văn Phát giao nguyên về Quận. Nhân dân An Lục Long nô nức vui mừng suốt đêm không ngủ, tiếng trống mỏ, tiếng tập luyện một hai, bước đều. Đồng chí Mai Văn Phát nhận lệnh của  Huyện uỷ sắp xếp bộ máy hành chính xã gọi là Ngũ Hương. Ngũ Hương lâm thời An Lục Long gồm:

-       Hương Cả - Lê Ngọc Thơ,

-       Hương quản - Lê Ngọc Tài, UVQS,

-       Hương Chánh - Phát,

-       Hương Hào - Huấn,

-       Hương Bộ - Chánh.

Ngũ Hương và mặt trận Việt Minh đóng tại nhà việc An Lục Long, Hội quán của Thanh niên tiền phong đóng tại ấp chợ Ông Bái chỉnh đốn lại lực lượng canh gác ở các ấp để bảo vệ nhân dân và chính quyền. Mặt trận Việt Minh được chỉ định ông Mười Thứ chủ nhiệm, công tác xây dựng các đoàn thể được bắt đầu lan ra nhanh chóng và Ngũ Hương tuyên bố bãi bỏ các loại thuế thân, thuế trâu bò, lao động ngày làm 8 giờ, bãi bỏ các loại công lễ nô lệ của địa chủ, tô địa chủ giảm 25%...

Trong ngày 23-8-1945, theo chỉ thị của Tỉnh ủy, đồng chí Tư Ngâm (Lê Thanh) dẫn đầu lực lượng Thanh niên tiền phong từ hai giờ sáng theo ngã chợ Tham Nhiên kéo về sân banh tỉnh lỵ Tân An để dự lễ ra mắt chính quyền cách mạng của tỉnh. Hai ngày sau, 25-8-1945, Sài Gòn cùng các tỉnh Nam bộ đồng loạt giành chính quyền thắng lợi. Uỷ ban hành chính lâm thời ra mắt đồng bào.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, nhân dân An Lục Long rất phấn khởi tham gia nhiều cuộc mít tinh chào mừng ngày độc lập. Đoàn đại biểu ấp, xã cử đi dự mít tinh chào mừng ở xã Thanh Phú Long do đồng chí Mười Mươi tổ chức.

II. AN LỤC LONG TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945-1954)

 1. Xây dựng thực lực cách mạng, cùng Nam bộ bước vào kháng chiến (1945-1947)

Người dân hưởng độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại chiếm Nam Bộ. Ngày 23-9-1945, Pháp gây hấn ở Sài Gòn. Tháng 10-1945, Pháp đặt chân đến Long An và đến vùng An Lục Long vào tháng 11-1945. Toàn Nam bộ bắt đầu đứng lên theo lệnh của Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Trần Văn Giàu.

Tình huống cho thấy chỉ có một con đường duy nhất là kháng chiến để bảo vệ độc lập, tự do bằng mọi giá. Lệnh kháng chiến trong toàn xã ban hành và áp dụng triệt để. Nhân dân cuốc lộ, đắp ụ, xây dựng phòng tuyến chiến đấu liên xã kéo dài từ Long Trì đến Thanh phú Long qua các ấp Cầu Kinh, Cầu Đôi, chợ Ông Bái của xã An Lục Long.

Những người tham gia bộ máy chính quyền và tổ chức Đảng bắt liên lạc với tỉnh. Một số cán bộ Côn Đảo mới về địa phương như đồng chí Vũ, đồng chí A. Đồng chí Ba Phước được Tỉnh uỷ chỉ định về làm Bí thư Huyện Châu Thành. Đồng chí Minh Châu, đồng chí Quốc Hùng cũng chỉ định vào Huyện uỷ. Nhiều ấp tổ chức kết nạp Đảng viên như ông Chánh Phát làm Bí thư chi bộ ấp cầu Kinh, Hương quản Tài, Lê Ngọc Hữu cũng vào chi bộ ấp Tân Lục chợ Ông Bái, ông Hai Quới làm Bí thư chi bộ ấp, mỗi ấp có từ 20-30 Đảng viên.

Tháng 10 năm 1945, thực dân Pháp đưa quân chiếm Cần Giuộc, Tân An và lấn dần ra các quận. Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh ra đời và tổ chức lực lượng trong tỉnh, quận, xã. Đồng chí Bảy Lại chỉ định Mười Thứ là Chủ nhiệm Thôn bộ Việt Minh xã An Lục Long. Xã bắt đầu xây dựng các đòan thể Thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc…

Về mặt chính quyền tổ chức Ủy ban kháng chiến hành chính xã gồm Chủ tịch và các uỷ viên như: Tài chính, Quân sự, Xã hội, Y tế, Tuyên truyền, Công an. Mỗi ấp xây dựng lực lượng dân quân du kích do uỷ viên quân sự chỉ huy. Uỷ ban kháng chiến hành chính xã lúc này có các ông:

-       Chủ tịch - Năm Cử

-       Phó chủ tịch - Bộ Hai

-       Uỷ viên Quân sự - Sáu Bụi

-       Uỷ viên Tài chính - Mười Thôi

-       Uỷ viên thư ký - Tám Nam

-       Uỷ viên Trưởng Ban Tuyên truyền - Mai Văn Hoá (Tám Hoá)

-       Công an – Tư Hên...

Đồng chí Quốc Hùng được Huyện uỷ Châu Thành uỷ nhiệm đến xã An Lục Long tổ chức các Đoàn thể - Mặt trận Việt Minh và củng cố chi bộ Đảng. Các Đoàn thể cứu quốc và mặt trận gồm:

-       Thanh niên cứu quốc: Ba Tính, Chà (Phi Long), Ba Giáo

-       Nông dân cứu quốc: Bảy Tiên, Hai Tòng, Tấn Quỳnh, Bửu

-       Phụ nữ cứu quốc: Dung, Ngọc Châu, Lý

-       Thôn bộ Việt Minh: Chủ nhiệm Mai Văn Quới.

Đây là bước phát triển nhảy vọt của cách mạng ở địa phương. Người dân An Lục Long từ đây bước vào cuộc kháng chiến cứu nước.

Đầu năm 1946, hai đồng chí Lê Vân và Quốc Hùng thay mặt huyện ủy củng cố lại Chi bộ gồm: Bạch Mai tức Hai Quới (Bí thư), Phi Long (Phó Bí thư), đảng viên: Hai Hồng, Thành Trung, Ba Thưởng, Sáu Thắng... Sau đó Ủy ban kháng chiến hành chính xã được thành lập vào tháng 2 năm 1946 gồm:

-       Mười Thứ (Chủ tịch)

-       Tám Nam (phó Chủ tịch)

-       Năm Cử (Uỷ viên quân sự)

-       Mười Quyển (ủy viên chính trị)

-       Nhì Cự (ủy viên xã hội)

-       Mười Đủ (ủy viên thư ký)

Sau Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, lập lại Ủy ban mới gồm các ông:

-       Chủ tịch: Năm Cử

-       Phó Chủ tịch: Bộ Hai

-       Uỷ viên quân sự: Sáu Bụi

-       Uỷ viên chính trị: Mười Thôi

-       Uỷ viên xã hội: Sáu Thắng

-       Uỷ viên thư ký: Tám Nam

Chị bộ An Lục Long trong một thời gian ngắn đã xây dựng phong trào cứu quốc, tập hợp đủ mọi thành phần. Lực lượng thanh niên cứu quốc có các đồng chí Hai Quới, Phi Long, Tô Long, Tám Đức làm chủ chốt. Phía phụ nữ Cứu quốc có các đồng chí Chín Mão, Ngọc Lý, Ngọc Châu, Mười Tốt, Hai Ni dẫn đầu phong trào. Các bô lão cũng hăng hái vào hội lão thành Cứu quốc với các khuôn mặt nổi bật như cụ Hai Phú, Năm Quới, Quản Trừu, Ba Khá. Hoạt động chính của các hội cứu quốc là gấp rút tổ chức lực lượng, tuyên truyền và kết nạp đội viên mới, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến.

Trận mở màn là tham gia đánh tập kích vào thị xã ngày 23-11-1945 dưới sự chỉ huy của đồng chí Huỳnh Văn Gấm (Phó Bí thư Tỉnh uỷ) và Tám Sơ (chỉ huy dân quân du kích Châu Thành). Trận đánh bằng lựu đạn và đánh giáp lá cà với Pháp, đồng chí Lê Công Quận thuộc ấp Cầu Kinh đã anh dũng ngã xuống. Lễ truy điệu được tổ chức long trọng, nhân dân đem chiếu bông trải đường tiễn đưa người con đầu tiên của quê hương Long An hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến cứu nước sau cách mạng tháng Tám.

Tháng 3 năm 1946, đồng chí Minh Châu đến An Lục Long nắm tình hình cán bộ toàn xã và mở lớp huấn luyện ngày cho từng cụm, từng ấp kiểm tra lý lịch từng người rồi tập hợp số cốt cán công nhận là đảng viên và bầu cử Bí thư chi bộ. Chi bộ xã An Lục Long được Huyện uỷ Châu Thành củng cố lại gồm các đồng chí: Đoàn Công Tính (Thành Trung) làm Bí thư; Năm Cử- Chi uỷ viên; Tám Nam -Chi uỷ viên; đảng viên gồm các đồng chí: Bảy Tiên, Mai Văn Hoá (Mai Hồng), Sáu Bụi, Hai Tòng, Phi Long (Huỳnh Văn Chà), Mai Văn Quới (Bạch Mai). Số cán bộ còn lại chi bộ có trách nhiệm giáo dục điều lệ Đảng và đề nghị Huyện uỷ chuẩn y và kết nạp lại, không nên phát triển ồ ạt không có chất lượng. Ở các ấp đều được củng cố lại Ban cán sự của các đoàn thể như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc, xã có Ban chấp hành từ 7 đến 9 uỷ viên có năng lực và mạnh nhất là Đoàn Thanh niên cứu quốc.

Về mặt thông tin tuyên truyền, đã tổ chức phòng thông tin đến khắp các ấp. Hội thông tin huyện thường về hoạt động ở các ấp. Hưởng ứng phong trào diệt giặc dốt xã tổ chức phong trào bình dân học vụ do ông Lê Văn Sử (ông Thầy chùa Ba Sử) làm Trưởng Ban. Xã có 4 lớp dạy trẻ em và người lớn, làng An Tập đa số biết chữ do ông thầy Ba Sử dạy học.

Tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng ngày càng phát triển để đáp ứng với tình hình. Tháng 3 năm 1947, Uỷ ban kháng chiến hành chính mới với thành phần:

-       Tám Nam (Chủ tịch)

-       Sáu Thắng (Phó chủ tịch)

-       Mười Thôi (ủy viên thư ký)

-       Sáu Hảo (ủy viên kinh tế)

-       Tư Tranh (ủy viên xã hội)

-       Sáu Bụi (xã đội trưởng)

Về quân sự, chi bộ An Lục Long trấn áp lực lượng tề ngụy do Pháp mới xây dựng. Đầu tiên thực dân Pháp mới sử dụng nhà của Cả Thơ làm bót, sau đó lại chuyển sang nhà của Sư Phát. Từ nơi này địch dùng bọn Việt gian để đàn áp và khủng bố cách mạng. Dân quân du kích xã đã tổ chức 2 trận đánh có ý nghĩa chính trị đáng kể.

Đầu tiên là trận Xóm Dầu vào ngày 15-5-1947, lực lượng du kích xã tập kích diệt ngoài 30 tên trước nhà sư Phát. Mặt trận kéo dài tận Tân Lục cho tới chiều. Kế đến là trận lộ Đá vào tháng 9-1947, do đồng chí Sáu Bụi làm xã đội trưởng chỉ huy, có sự tiếp sức chi đội 4 trung đoàn 105 ở huyện Chợ Gạo. Ta phục kích ở hai bên lộ Đá, nhưng do tên Thắm phản bội nên Pháp đã không đi theo giờ đã dự đoán. Đến hai giờ trưa bọn địch kéo lên ruồng bố với đủ loại xe cộ, súng ống và tỏa ra thành nhiều mũi. Lực lượng ta chiến đấu từ 1 giờ trưa cho đến 10 giờ khuya mới rút. Địch không bị thiệt hại nhiều, nhưng rất hoảng sợ.

Về chính trị, hoạt động phá tề làm Việt gian phải co cụm. Sư Phát, Cả Thơ sau trận Xóm Dầu bỏ nhà kéo ra chợ Tầm Vu lánh mặt.

Về kinh tế, ta giáo dục nhân dân bao vây bằng cách ngăn không cho lúa gạo về Tân An, chủ trương dùng hàng nội hóa, tẩy chay hàng của thực dân Pháp

Quan trọng hơn cả là việc thực hiện chính sách ruộng đất. Từ đầu năm 1947, đồng chí Mười Thôi với tư cách là trưởng Ban quản thủ thực hiện theo chỉ thị của huyện ủy quản lý số ruộng vắng chủ của hội đồng Thưởng, Phủ Hùng, Hội Đồng Hoanh, Cả Thơ, Sư Phát chia cho dân cày. Chỉ riêng ruộng hương hỏa gồm 84 mẫu của Sư Phát về tay bần nông trong vòng một tháng. Đến cuối năm 1947, số ruộng ở Chợ Ông Bái (Cảnh Đông) cũng lần lượt được cấp phát.

Tháng 5 năm 1947, địch đưa lực lượng chủ lực gồm lính Commanđô (lính lê dương) có xe tăng, đến bao vây ấp chợ Ông Bái, bên ta chi đội 14 do đồng chí Tưởng (Lê Chân), đồng chí Ba Cân chỉ huy chiến đấu bảo vệ dân, lực lượng ta thoát khỏi lực lượng bao vây của địch, khi quân ta rút đi hết còn nhà không vườn trống, chúng vào ấp chợ Ông Bái đốt hết nhà dân. Xã An Lục Long giữ vững đoàn kết các ấp chợ Ông Bái , Cầu Hàng, Cầu Đôi trở thành căn cứ thứ 2 của Huyện Châu Thành thường xuyên có các lực lượng Huyện đóng quân, đại đội 1072, các bộ phận trinh sát, giao liên trung đoàn 105-120 có trạm trên địa bàn xã. Trạm giao liên Nam bộ cũng đóng chốt tại đây để đi Gò Công (Mỹ Tho). Dân quân trên xã được huy động đi cuốc lộ, đắp ụ tạo chướng ngại trên lộ Tầm Vu đi Ông Văn (Chợ Gạo) các cầu Tầm Vu, Cầu Đồn, Cầu Dựa đều được phá để ngăn chặn địch.

 2. Đẩy mạnh diệt tề trừ gian thực hiện kháng chiến kiến quốc, góp phần vào thắng lợi chung (1948-1954)

Năm 1948, An Lục Long trở thành xã căn cứ ở phía sau lưng địch, các lớp huấn luyện ngắn ngày về quân sự, chính trị cũng về mở lớp tại đây. Chi bộ xã An Lục Long có 20 Đảng viên, tổ chức đầy đủ các Đoàn thể và Mặt trận xã trên 40 cán bộ. Có các đồng chí ở các ấp về, xã có 1 tiểu đội du kích tập trung trang bị vũ khí thô sơ, dao găm, lựu đạn và xin được 2 súng do đồng chí Sáu Bụi chỉ huy. Huyện cũng đã củng cố lực lượng huyện cho đủ mạnh nên điều động nhiều cán bộ xã An Lục Long về huyện như: Năm Cử về Ban tiếp tế, Tám Nam thay Chủ tịch xã. Thành Trung Bí thư chi bộ rút về Huyện uỷ Châu Thành, Tám Nam thay Bí thư chi bộ. Gần cuối năm 1948, huyện rút Tám Nam làm kiểm sát viên Huyện uỷ khu vực 4 chi bộ An Lục Long bầu đồng chí Phi Long lên thay. Bảy Tiên rút lên Nông Hội huyện, đồng chí Tấn Hưng (Hai Tôn) lên thay thư ký xã An Lục Long. Năm 1948 là thời kỳ xã An Lục Long có đầy đủ cán bộ các Ban ngành thuộc xã, đồng thời còn đưa về huyện hàng chục cán bộ để củng cố các ngành huyện.

Địch dần dần phát triển lực lượng kèm kẹp. Tại chợ Tầm Vu, chúng đóng bót Cầu Móng, dọc theo lộ 21 có thêm nhiều tua (tháp canh) để kiểm soát đường giao thông. Ở An Lục Long, chúng trở lại đóng bót tại nhà Cả Thơ, sau đó xây bót Long Trì.

Về phía ta, cuối năm 1948 đồng chí Phi Long được rút lên làm cán bộ huyện ủy, đồng chí Hoàng Nam (Tám Nam) thay chân bí thư. Đến năm 1949, Tám Nam cũng rút lên huyện giao nhiệm vụ bí thư cho đồng chí Trương Đình Thắng (tức Đặng Thành Công). Nhiệm vụ của các địa phương là phá tề và cầm cự với quân địch.

 Về kinh tế, ta tiếp tục thực hiện chính sách ruộng đất để phân hóa hàng ngũ phong kiến và lôi kéo dân cày theo cách mạng. Cánh trung của xã gồm khu vực lộ Đá, nhà Việc, Cầu Hàng lần lượt được cấp ruộng. Sau đó đến Cầu Kinh, Cầu Đúc, các ruộng khác đều được giảm tô 25% so với trước. Mỗi gia đình đều có 2-3 mẫu để canh tác… Phong trào bình dân học vụ được đẩy mạnh. Người nghèo, người lớn tuổi cũng được đi học. Toàn xã có 4 lớp, đều mở tại nhà dân, lớp chính nằm ở chợ Ông Bái do thầy Ba Sử dạy. Nhân dân lấy cây ván từ trường học của cụ Cả Miêng trước đây bị sập, xây một lớp học khác ở Cầu Hàng do đồng chí Trương Đình Nhu dạy. Chỉ trong 3 năm, bọn địch đã đốt trường học nhiều lần, nhân dân ta phải lấy đình, chùa làm lớp học.

Mặt trận văn nghệ cũng sôi nổi không kém. Cùng với các đoàn Chim Việt, Mạ Xanh, Lúa Vàng của huyện, đồng chí Tám Đức tổ chức đoàn văn nghệ Măng Tre quy tụ 12 thiếu nhi có đàn Guitare, Măngdôlin phục vụ quần chúng.

Đầu năm 1949, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương giải quyết ruộng đất cho nông dân làm chủ, bước đầu là ruộng của địa chủ vắng mặt tại xã, gọi là ruộng quản thủ giữ nguyên dành cho nhân dân làm, chính quyền thu tô (gọi là Quản thủ). Nhưng đến cuối năm có chủ trương đánh đổ phong kiến địa chủ thì đất đai chia cấp cho nông dân làm chủ.

Tỉnh thành lập Hội đồng cấp đất, tỉnh chỉ đạo cấp đất Huyện xuống từng xã chia cấp đất cho nông dân. Xã An Lục Long được huyện chọn làm xã điểm, phân công đồng chí Thành Trung là uỷ viên huyện về An Lục Long chỉ đạo thực hiện. Cơ bản diện tích đất ruộng của xã gồm: đất công điền, ruộng địa chủ theo địch, ruộng địa chủ ngoài tỉnh, ruộng địa chủ phú nông còn ở tại xã và có tham gia kháng chiến... Xã An Lục Long lấy tổng số diện tích ruộng tịch thu ruộng vắng chủ, ruộng quản thủ chia bình quân cho tổng số nhân khẩu là 0,5 ha cho 1 nhân khẩu. Số người đi lính hợp tác với giặc bỏ làng ra thành không được tính nhân khẩu cấp đất. Số người thoát ly kháng chiến đi bộ đội đều được tính nhân khẩu chu cấp cho gia đình.

- Loại A là chia cấp hẳn các loại ruộng, công điền, tịch thu, cấp theo số nhân khẩu của từng gia đình.

- Loại B tạm cấp các loại ruộng địa chủ vắng mặt (quản thủ) cũng tính nhân khẩu từng gia đình như trên.

- Loại tạm cấp nếu địa chủ có giấy chứng nhận là địa chủ tham gia kháng chiến xin được quyền thu tô thì trình xã quy định tô theo định mức quy định. Phú nông còn ở tại xã tham gia kháng chiến nếu họ không làm hết số ruộng đã có, họ có thể trang trải cho con cháu, người thân, chính quyền không can thiệp nhưng phải giữ đúng mức tô đã giảm theo quy định.

Việc chia cấp và tạm cấp được Hội nông dân xã và chính quyền xã thực hiện tiến hành từng bước từng ấp cho đến toàn xã. Xã An Lục Long có trên 90% nông dân được chia cấp và tạm cấp trên 1.500ha, địa chủ phú nông tại xã tự trang trải 10%.

Việc chia cấp ruộng đất cho nông dân đã tạo nên không khí phấn khởi và quyết tâm bám đất, giữ làng, nhiều nông dân bao đời nay chỉ biết đi ở đợ, làm thuê, làm mướn cho địa chủ, phú nông, nay họ được chia cấp 1 ha ruộng tự làm chủ, nhân dân đoàn kết, làm cả ngày lẫn đêm. Thực dân Pháp bắn pháo vào xóm làng, nông dân ra các thửa ruộng được chia cấp, đào hầm núp, cất chòi bám ruộng, họ cày bừa cấy cả ban đêm khi vắng bom đạn.

Tuy chiến tranh có ác liệt nhưng nông dân vẫn khá lên vì dư lúa ăn và không còn nợ nần với địa chủ, xoá bỏ tàn dư phong kiến ở nông thôn. Có lúc địa chủ huyện như Lê Phát Thanh thuê mướn Hội tề về làng thu tô, nhưng bị lực lượng ta chặn đánh tiêu diệt nên chúng bỏ êm luôn. Nông dân quyết tâm đi với cách mạng và làm phần ruộng được chia cấp, nên sau này dù bị dồn dân lập ấp chiến lược, thì nông dân vẫn xé rào về phần ruộng của mình cày cấy.

Tết âm lịch năm 1949, địch cho tình báo gián điệp theo dõi căn cứ ta (ấp An Tập) có nhiều bộ phận về ăn Tết với dân. Khuya mùng 4 Tết, lực lượng chủ lực Pháp, lực lượng Comanđo bao vây ấp chợ Ông Bái, An Tập. Phần lớn cơ quan, cán bộ chính trị có phần thiếu cảnh giác sau cái Tết nên bất ngờ bị bao vây. Chúng tràn vào bắt dân, bắn chết 1 số cán bộ. Trong trận này đồng chí Phi Long (Ba Chà)[4], Tám Đức lo bảo vệ một số cán bộ cấp trên, chạy vượt vòng vây nhưng cũng bị bắn chết. Trận Ông Bái mùng 4 Tết, có trên 10 cán bộ xã, huyện uỷ hy sinh tại chợ Ông Bái và trên 20 cán bộ bị bắt. Sau đó đồng chí Tấn Hưng (Hai Tồn) làm Bí thư chi bộ xã An Lục Long.

Sau đó thực dân Pháp có kế hoạch đóng tour bót theo các trục lộ như mạng nhện, dùng pháo 105 tiếp giáp để bảo vệ các tour, mỗi tour một tiểu đội lính. Xã An Lục Long bị hệ thống tour từ Cầu Đồn, Cầu Dựa đến Cầu Kinh lộ 21 từ ngã tư Cầu Vuông, Lộ Đá, Ba Liền đều có tour, cách 1,5 km, đóng 1 tour. Đóng bót Cầu Đôi, đưa tề xã về ở bót Cầu Đôi. Chúng đóng bót đầu lộ Rạch Tràm, kiểm soát ấp Tân Long và đường liên lạc qua Đồng Sơn (Gò Công) của ta bị đứt. Pháo ở Tham Nhiên (Quận Bình Phước), pháo ở  Bình Tịnh Tân Trụ thường xuyên bắn vào xã An Lục Long để bảo vệ các tour của chúng. Dựa vào hệ thống tour, bót, bộ máy tề xã trở thành ác ôn gồm Cả Hoành, Chủ Thạch, Quản Quí, Đội Bê. Chúng phối hợp với bót đầu lộ Dừa (rạch Tràm) kiểm soát đường sông từ Rạch Tràm đến Cầu Đôi, chúng bố ráp Cầu Hàng, chợ Ông Bái, Tân Long, Đình Ông Nhái v.v…

Năm 1950, địch tổ chức một cuộc ruồng bố đột kích vào ấp Chợ Ông Bái và bắt được Mười Trọng là cán bộ quân sự khu vực 4 của Huyện Châu Thành. Mười Trọng đầu hàng giặc và dẫn chỉ hầm bí mật của đồng chí Phan là cán bộ Tài chính của Huyện ở tại nhà riêng ông Mười Hữu (Hai Tây). Chúng khui hầm lên gọi đầu hàng, đồng chí Phan không đầu hàng và không ra khỏi hầm, địch tung lựu đạn xuống hầm và bắn chết đồng chí Phan, lấy tất cả tiền bạc và tài liệu của đồng chí Phan. Mười Trọng tiếp tục dẫn giặc đến vuông ông Hai Khéo là anh của ông Hữu để chỉ điểm hầm bí mật của đồng chí Hai Tồn (Tấn Hưng) là Bí thư chi bộ An Lục Long. Chúng bắn vào nắp hầm kêu gọi đồng chí Tấn Hưng đầu hàng. Đồng chí Tấn Hưng hé nắp hầm tung lựu đạn và hô khẩu hiệu Hồ Chí Minh muôn năm. Địch khiếp sợ, nhưng Tấn Hưng không còn lựu đạn đành hy sinh tại hầm. Sau trận ấy,  đồng chí Sáu Thắng thay làm Bí thư chi bộ.

Cũng trong trận càn năm 1950, đồng chí Sáu Đổng xã đội trưởng bị bắt, chúng nhận nước, tra tấn bằng súng. Sáu Đổng tay không vẫn đánh bại địch ở dưới nước, nhận nước lại bọn chúng, nhưng một mình không chống nổi mười, đành chịu bị bắn và hy sinh.

Địch bắt đồng chí Ba Giáo Công an xã An Lục Long đưa về Tham Nhiên Quận Bình Phước, chúng tra tấn dã man và bắn chết thả trôi trên sông Vàm Cỏ Tây. Trong vòng hai năm 1950-1951, 40 cán bộ xã, Huyện bị địch bắt, trên 10 cán bộ xã hy sinh tại An Lục Long. 

Gương hy sinh chiến đấu của đồng chí Sáu Đổng, Tấn Hưng, Ba Giáo, đồng chí Phan được nhân dân rất khâm phục và luyến tiếc. Còn Mười Trọng đã đầu hàng lại chỉ hầm của một số đồng chí khác, nhân dân rất khinh bỉ.

Đầu năm 1951, đồng chí Bí thư Huyện uỷ Vàm Cỏ là Lê Đức hy sinh tại Hoà Phú  Tỉnh uỷ điều đồng chí Thành Trung (Ba Tính) về thay Lê Đức thường trực Bí thư huyện Vàm Cỏ. Đồng chí Thành Trung nhận Nghị quyết Huyện ủy là về móc nối xây dựng lại chi bộ An Lục Long trong lúc lực lượng nơi đây đang gặp nhiều tổn thất khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết Huyện ủy đồng chí Thành Trung cùng đi với bảo vệ là Nghĩa. Lựa thời cơ là tháng 11 âm lịch lúa mùa đứng cái và trổ. Ban ngày cải trang làm chủ giữ ruộng và dùng ni long lót nằm giữa ruộng (ở dãy nhuỗi, dãy ruộng gò me). Ban ngày nằm yên đợi ban đêm móc nối nắm tình hình. Đầu tiên móc được anh Hào, chú Trạm (ông già của Năm Thạc, Tám Đúng) từ đó móc nối với cơ sở, quần chúng tốt. Kế đến móc nối với cô Mười Kiên giao nhiệm vụ báo hiệu ban đêm khi có lính. Liên lạc được với đồng chí Lê Phát Sáu (Sáu Hòa)[5], từ đó móc nối được 2 đồng chí nữa là Giàu và Minh Trung. Gây dựng cơ sở và phát triển thành đảng viên, có được 3 Đảng viên, chi bộ lại tái lập, do đồng chí Sáu Hòa làm bí thư, từ đây xã lại có cán bộ củng cố đường dây liên lạc về Huyện.

Nhiệm vụ của Chi bộ trước mắt là củng cố cơ sở, gây dựng quần chúng tốt, nắm chắc quy luật hoạt động của tề. Lúc này Huyện lập đội trừ gian, trang bị gọn nhẹ, hoạt động hỗ trợ phá kềm diệt ác, cảnh cáo bọn chủ ấp và điền chủ, đồng thời lôi kéo giáo dục những lính tour bót đi theo cách mạng.

 Chi bộ xã viết thư giáo dục gia đình lính tour bót, một số liên lạc gặp gỡ họ và giao nhiệm vụ. Qua đó tề và lính ít đi đêm, một số chủ ấp ngã về cách mạng, các tour bót hầu như không hoạt động. Chi bộ xã bắt đầu móc nối tất cả cán bộ bị tù đày được thả về được kiểm điểm và giao công tác.

Năm 1952, Quản Quý, chỉ điểm cho giặc bắt đồng chí Lê Văn Giáo đang nấp dưới hầm. Chúng đem đồng chí về Thanh Phú Long đánh đập đến chết và neo xát dưới sông Thâm Nhiên. Tề ngụy nghênh ngang đi lại trong bót Cầu Đôi sách nhiễu các gia đình cách mạng, vừa hăm dọa vừa nhằm bôi đen hình ảnh người chiến sĩ người cộng sản. Ta tổ chức trừng trị hai tên ác ôn Quản Quý, Đội Bê nhiều lần, nhưng đều gặp trở ngại. Đến tháng 8 năm 1953, bằng một kế hoạch khá chu đáo, đồng chí Hai Có đã chỉ huy 1 tiểu đội du kích bắt sống 2 tên này dẫn về Đình Ông Nhái xử tử hình.

Về quân sự, nhiều trận đánh xảy ra. Trận ở Quơn Long, lực lượng liên xã phối hợp theo lối đánh du kích đạt thắng lợi lớn. Trận ở Tân Thuận Bình (Quơn Long) ngày 23/4/1954, đồng chí Đòan Công Lùn (Năm Lùn) chỉ huy 15 du kích đánh tập kích một đơn vị địch gồm lính Pháp lẫn lính Việt gian có trang bị trung liên, địch chết 1 tên, bên cách mạng có đồng chí Năm Lùn hy sinh.

Lần khác, đầu năm 1954, tiểu đội du kích xã từ 10 giờ tối ra đào công sự nằm nghi binh. Tảng sáng 1 xe địch mò lên, du kích nổ súng diệt 1 tên, bắt tên Quản Đảnh, thu 6 súng và 1000 viên đạn.

Tháng 2 năm 1954, Tiểu đòan 309 và địa phương quân Huyện đánh trận Miễu Bà Cố ở xã Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị bắt sống trên 120 tên sĩ quan và lính ngụy, lấy hàng trăm súng ống các lọai. Du kích xã An Lục Long được huyện trang bị đầy đủ súng, xây dựng 1 tiểu đội  dân quân chủ động bảo vệ xã cả ngày lẫn đêm.

Thua trận Miễu Bà Cố, địch hoang mang, nhưng để cứu vãn tình thế, Pháp đưa 1 tiểu đoàn Commanđô đến Châu Thành hành quân ruồng bố xã Hòa Phú, Vĩnh Công rồi đến Tầm Vu, Dương Xuân Hội, vào chợ Ông Bái.

Dự đoán đúng ý đồ của địch ruồng bố chợ Ông Bái, lực lượng 309 và điạ phương quân nhân huyện đoán ý đồ của địch sẽ đến ruồng bố chợ Ông Bái, lực lượng được điều về chợ Ông Bái chuẩn bị chống càn. Du kích xã An Lục Long vận động quần chúng ủng hộ, nuôi quân, trinh sát theo dõi động tĩnh của địch ở Tầm Vu và các bót xung quanh.

Ngày 18-3-1954 (tức là 17-2 âm lịch), tiểu đoàn Commanđô kéo xuống đầu lộ chợ Ông Bái chia thành 3 mũi tiến vào. Mũi thứ nhất đánh thẳng vào chỗ đóng quân của ông Mười Cầm, hai mũi còn lại tiến về phía Cầu Đôi để chặn đường rút. Trong đêm đó có  lực lượng chủ lực huyện và du kích xã họp để vạch kế hoạch tác chiến. Đồng bào thức dậy sớm lo cơm nước cho bộ đội. Trời tờ mờ sáng bộ đội và du kích đã ém quân xong xuôi đợi giặc. Lực lượng của Mười Cầm đóng ở giữa, ngay mũi chính diện. Tiểu đoàn 309 đóng ở phía Thanh Phú Long có nhiệm vụ đánh tập hông, còn du kích xã thì chặn đường giặc.

Địch lần dò theo lộ rất chậm vì sợ bị phục kích. Theo lệnh của Mười Cầm quân ta đợi địch đến thật gần khoảng 20-30 mét mới nổ súng đồng loạt, ngay từ loạt đầu tốp đi trước ngã rạp xuống. Trong lúc địch chưa định thần thì từ phía chợ Ông Bái, tiểu đoàn 309 vừa nổ súng vừa xông lên như những mũi tên. Giặc hoảng sợ rã hàng ngũ chạy tán loạn về phía Ngã tư Cầu Vuông, nhưng bộ đội 309 đã nhanh chóng khóa chặt đuôi, đúng lúc đó du kích xã ào ra đánh chặn đầu giặc. Thế là bọn chúng quăng súng ống bỏ chạy tháo thân. Trong lúc thua chạy, chúng còn đốt hơn 10 căn nhà của dân ở khu vực Cầu Vuông và bắn chết một số người vô tội như ông Huỳnh Văn Ngươn, ông Ba Điền và 4 người khác. Kết quả trận này ta diệt tại trận 2 sĩ quan Pháp, bắt 18 tù binh, tịch thu 4 súng cối, 2 đại liên, 16 trung liên FM đầu bạc, 98 súng trường các loại. Riêng du kích xã tịch thu 2 Thompson và 2 mút mát.

Tin chiến thắng lan đi rất nhanh, mọi người phấn khởi thu chiến lợi phẩm. Đúng lúc nỗi vui chưa hết thì có tin giặc đang đem thêm quân kéo vào phục thù. Qủa vậy, lần này chúng huy động cả xe nồi đồng (đồng bào hay gọi là ô tô lănđê) xe tăng, máy bay khu trục cùng đám lính “cạc chê” đóng ở bót Cầu Vuông, chúng dàn hàng ngang tiến vào xóm chợ Ông Bái.

Bộ đội 309 toả ra các đám ruộng vừa gặt xong, nằm chờ đợi giặc tới, lực lượng huyện và du kích xã đóng trong vuông yểm trợ. Bọn giặc xông tới thì bất ngờ các chiến sĩ ta “đội mồ rơm” đứng dậy nổ súng. Chúng rụng rời chưa kịp phản ứng thì súng lớn, súng nhỏ vừa tịch thu được ban sáng, từ trong vườn nổ ra liên tục. Chúng bỏ súng lột giầy, cởi cả áo quần mà tháo chạy, ta chỉ nhắm những cái bia ấy mà bắn. Trận này chúng bỏ lại chiến trường hơn 10 xác chết cùng một số lớn súng ống, đạn dược.

Trận chợ Ông Bái là một trong những trận đánh lớn của tỉnh và của huyện Châu Thành phối hợp lực lượng du kích An Lục Long. Sau trận này, du kích An Lục Long còn phối hợp bao vây và bức rút bót Cầu Đôi, khiến bọn tề chạy về Tâm Vu. An Lục Long được giải phóng và nhiều xã liền kề như Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông cũng được giải phóng. Địch còn lại 1 số bót trên trục lộ 21 nhưng chỉ co cụm không dám hoạt động. Tên Hương quản Đảnh thường cải trang đi với lính bảo vệ trên xe đò từ Bình Phước (Tham Nhiên) đi Tầm Vu. Du kích An Lục Long nắm chắc tình hình phục kích trên lộ 21, Lộ Đá, bắt tên Quản Đảnh thu 7 súng. Lực lượng du kích xã lúc này có trung đội đủ mạnh, Huyện có đưa về một số cán bộ làm nòng cốt như Năm Trạng, Hai Tây…

Tháng 5 năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa đế quốc Pháp đến con đường không lối thoát. Ngày 21-7-1954, hiệp định Genève được ký kết. Theo đó, vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời. Các lực lượng Việt Minh tập kết ra Bắc và 2 năm sau (1956) sẽ có cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhân dân vui mừng được hưởng cảnh thanh bình và chờ đợi tổng tuyển cử. Nhiều gia đình tiễn chồng con đi tập kết như các đồng chí: Năm Tòng, Hai Minh, Năm Di, Hai Sảnh... với hy vọng sẽ đoàn tụ vào một  ngày không xa…

Tỉnh uỷ Long An chỉ đạo là phải chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ thị của Trung ương và Tỉnh uỷ, nhưng nên nhận rõ bản chất của kẻ thù, đề phòng lực lượng địch lật lộng. Do đó, phải chuẩn bị cơ sở để nếu cần thì đấu tranh võ trang trở lại. Huyện ủy Châu Thành cũng chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức lực lượng, bố trí lại cấp ủy, giữ lại cán bộ quân sự, chôn giấu vũ khí…Chi bộ và các đoàn thể chuyển mọi hoạt động từ công khai sang bí mật. Từ đó tiếp tục cuộc đấu tranh chống Mỹ kéo dài 21 năm với biết bao đau thương.

III. AN LỤC LONG TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954-1975)

 1. Từng bước xây dựng lại lực lượng và phát động quần chúng đấu tranh (1954-1959)

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Nội dung cơ bản của Hiệp định là công nhận nền độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Hai bên cùng thực hiện việc ngưng bắn lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời để tập kết chuyển quân. Việt Nam sẽ thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do vào cuối năm 1956.

Xã An Lục Long nằm trong vùng giải phóng huyện Châu Thành. Lực lượng Huyện tập kết vào chợ Ông Bái và La Cua (Thanh Phú Long), xe đưa từ La Cua về Tân Đông, Cao Lãnh để trong vòng 100 ngày xuống tàu tập kết ra Bắc. Xe đưa 2 ngày 1 chuyến, mỗi lần xe đến cầu Vuông, Tầm Vu, Vĩnh Công, Tân An, đối phương bắt dân đóng cửa không cho tiếp xúc với quân cách mạng. Nhưng trước sức đấu tranh của nhân dân, lý lẽ bà con được gặp mặt từ giã và theo điều 14C của Hiệp định thì không phân biệt đối xử. Đối phương đuối lý phải chịu dừng xe và cho đồng bào gặp gỡ, tặng quà, thuốc men, nhân cơ hội đó, chiến sĩ ta tích cực tuyên truyền thắng lợi của Hiệp định.

Điều 14 khoản C ghi rõ mỗi bên cam kết không trả thù hoặc phân biệt đối xử vì lý do họat động của họ trong lúc chiến tranh và cam kết bảo đảm mọi quyền tự do dân chủ. Cán bộ bị địch bắt từ 1951 đến 1954 cũng được thả tự do về xã theo Hiệp định Genève. Cán bộ đoàn thể ở Tỉnh, Huyện không đi tập kết trở về xã với danh nghĩa hồi cư.

Nhưng địch lập tức thành lập bộ máy cai trị, củng cố chính quyền cơ sở và tiến hành các thủ đoạn phá hoại Hiệp định. Bọn hương chức, hội tề xã gồm: Cả Hoành, Chủ Thạch, Quản Bông, Chánh Trò, Xã Chín ra làm việc với chính quyền Diệm dưới cái tên mới: Hội đồng Hương Chính. Chúng đưa cán bộ công dân vụ xuống tận xã ấp để phát hiện cán bộ, thanh lọc chính quyền cơ sở, lập liên gia, phát thẻ căn cước, lập tờ khai gia đình để phân loại quần chúng.

Về phía ta, chi bộ tiếp tục củng cố tổ chức và lực lượng đấu tranh với địch bằng các hoạt động công khai như phong trào đòi quyền dân chủ dân sinh. Số đảng viên kỳ cựu gồm các đồng chí: Trương Đình Nhu (tức Mười Nhung), đồng chí Sáu Hảo, cùng các đồng chí Sáu Thắng, Mười Thôi, Ba Lung, Tư Tùng trực tiếp chỉ đạo phong trào.

Tháng 7 năm 1955, Chi bộ An Lục Long tổ chức Hội Nhà Vàn, Hội đá banh để tập hợp quần chúng và giáo dục quần chúng đấu tranh, lôi kéo cả bọn Chủ Thạch, Cả Hoành vào để làm chỗ dựa hợp pháp mà hoạt động. Nhân dân tẩy chay trưng cầu dân ý, biểu tình đòi thi hành Hiệp định Genève, chống xáo canh xáo cư, vận động nông dân làm công, nhổ mạ ruộng của Sư Phát rồi bỏ không cấy. Một số bà con khác không chịu nộp tô…

Tháng 8 năm 1955, địch tổ chức chiến dịch Trương Tấn Bửu, chúng chỉ huy lính chặn các ngõ đường Cầu Đôi, Cầu Kinh, Chợ Ông Bái xét giấy từng người. Đồng chí Tám Nam và Mười Thôi không được cấp giấy, việc đi lại khó khăn, đồng chí Mười Nhu vận động Quản Bê lấy giấy của giặc và khắc mộc giả làm giấy tờ hợp pháp cho các đồng chí này hoạt động.

Tháng 10 năm 1955, Mỹ-Diệm tổ chức cuộc “trưng cầu dân ý”, truất phế Bảo Đại và suy tôn Ngô Đình Diệm làm Tổng thống. Diệm đẩy mạnh chiến dịch “tố cộng” và ra Dụ số 2 tước quyền sở hữu ruộng đất của nông dân nhằm xóa bỏ những thành quả của cách mạng trong việc tạm cấp ruộng đất thời chống Pháp. Bọn địa chủ dựa hơi chính quyền Diệm như: Cả Thơ, Sư Phát…mò về thu thuế, lấy lại ruộng cho tay chân của chúng. Cuối năm 1955, Diệm loại được các lực lượng võ trang của các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo và thiết lập hệ thống chính quyền ở huyện, xã, ấp với đám lính bảo an, dân vệ, hình thành mạng luới gián điệp, chỉ điểm.

Tháng 3 năm 1956, chúng tổ chức bầu cử Quốc hội bù nhìn. Nhân dân được vận động không đi bỏ phiếu. Theo chỉ đạo của Huyện ủy, chi bộ phải chuyển vào bí mật, các đảng viên ít bị lộ, ghép thành tổ 3 người, các tổ ở các ấp không được liên hệ và sinh họat chung, mà do Bí thư hoặc chi uỷ viên sinh hoạt đơn tuyến. Mỗi đảng viên phải có 3 quần chúng cảm tình Đảng, mỗi cảm tình phải có 3 quần chúng tốt, gọi là bắt rễ, xâu chuỗi vào quần chúng. Các đảng viên trước nay hoạt động lộ liễu ở các ngành chính quyền, công an, quân đội thì sinh họat đơn tuyến. Các đảng viên không có điều kiện hợp pháp, bị đối phương nghi kỵ thì cho đi điều lắng tạo nghề làm ăn hợp pháp, khi có điều kiện sẽ giới thiệu sinh họat ở nơi mới cư trú.

 Tất cả Đảng viên, cán bộ về xã đều được học Nghị quyết của Đảng và học Hiệp định Genève. Tất cả đều tạo vị trí hợp pháp, lấy giấy tờ tạo nghề làm ăn hợp pháp, các tổ chức biến tướng như Hội banh, đổi công cấy gặt, làm nhà, Hội nhà Vàn, ma chay. Cán bộ trước đây thoát ly nay trở về xóm ấp đều ra đồng làm ruộng, làm thợ, làm thuê, mua bán tạo vỏ bọc hợp pháp.

Chi bộ được chỉ đạo của Huyện ủy là phải triển khai công tác bảo vệ, đưa người của ta vào Hội đồng hương chánh, vào dân vệ, nhất là chủ ấp, phải nắm cho được các ấp. Hội đồng hương chính đã có do đối phương xếp đặt cán bộ tranh thủ giáo dục, kiềm chế hoạt động, lần lượt đưa Tư Bò vào làm Hương quản, hầu hết các ấp đưa người của dân vào làm trưởng ấp và dân vệ. Hoạt động võ trang bị chấm dứt, lực lượng du kích xã, xã đội, công an đều nộp súng về huyện và tập kết chuyển súng về căn cứ để ra Bắc. Các cán bộ về xã đều sống hợp pháp làm ăn với gia đình.

Mặt khác, cách mạng tìm mọi biện pháp để phát động học tập Hiệp định Genève rộng rãi trong nhân dân, phải tuyên truyền làm cho ai cũng biết Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh, chờ hai năm tổng tuyển cử, lấy điều 14C làm gốc để đòi hỏi, đấu tranh với đối phương. Tết năm 1955, có nhiều gia đình đi lại thăm viếng và chúc mừng lẫn nhau, đó là cơ hội để cán bộ đảng viên luồn sâu vào dân, tuyên truyền vận động nhân dân học tập và đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, đòi dân sinh, dân chủ.

Chiều ngày 4 tháng 3 năm 1956, chúng đem lực lượng dân vệ, bảo an vào ấp Nhà Việc lùa dân đi bầu cử. Quần chúng ở các ấp xa nghe vậy bỏ nhà đi tránh đến hết giờ bỏ phiếu. Tháng 7 năm 1956, Diệm công khai tuyên bố không thi hành Hiệp định và đưa chủ trương tố cộng lên hàng quốc sách. Kèm theo đó chúng cũng ban hành Dụ số 57 về cải cách điền địa để mua chuộc nông dân, xoa dịu đấu tranh giai cấp bằng hình thức “khế ước ruộng đất”…

Chi bộ bí mật lập tức lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi dân chủ dân sinh, giữ nguyên canh. Địch đánh hơi bèn khủng bố phong trào, đồng chí Mười Nhu bị bắt. Thời gian này đồng chí Sáu Hảo nguyên bí thư, đồng chí Sáu Hòa là cán bộ huyện ủy được phân công ở lại xã tham gia tổ chức lực lượng hướng dẫn phong trào. Xã An Lục Long trở thành căn cứ của Huyện. Khu uỷ cũng về đóng tại chợ Ông Bái. Đồng chí Tư Mùi ở nhà Bà Sáu, đồng chí Út Bồ đóng nhà chủ ấp Tấn (chợ Ông Bái) thường trực đồng chí Tám Khuyên ở nhà cô Mười Kiên… Lực lượng bảo vệ khu uỷ cũng đóng tại An Tập.

Đến tháng 7 năm 1956 Diệm có đầy đủ thế lực trong tay và được Mỹ viện trợ, Diệm tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève. Diệm xây dựng bộ máy tề xã tích cực chống Cộng. Có kế hoạch thẳng tay đàn áp bắt bớ người hồi cư và gia đình có con, em, chồng đi tập kết ra Bắc. Bộ máy chống cộng đắc lực là các đoàn công dân vụ, đưa về xã, kềm chế chỉ đạo tề xã và dân vệ, lập ngũ gia liên bảo, lập sổ gia đình, bắt cán bộ hồi cư, gia đình kháng chiến cũ tối đến khám nhà mà chúng nghi ngờ. Các trò tố cộng, diệt cộng, làm tờ ly  khai cộng sản, kêu gọi con em trở về. Các tổ chức đoàn thể phản động mọc lên như Phụ nữ Liên đới, Thanh niên cộng hoà…

Qua 2 năm chờ đợi và đấu tránh đòi thi hành Hiệp định, đòi về nơi cũ, đồng bào đã xác định rõ Mỹ - Diệm thay chân Pháp không thi hành Hiệp định. Chúng xác định miền Nam là tiền đồn, là pháo đài chống cộng ở Đông Nam Á do Mỹ chỉ huy.

Ở xã bỏ Hội tề, lập Hội đồng hương chánh. Hội đồng không ai bầu cử mà lựa chọn các tên ác ôn trong quân đội đưa ra, nhưng thực quyền là Đoàn công dân vụ. Bọn này được tuyển chọn, được học tập bài bản chống Cộng, làm gián điệp theo dõi cơ sở cách mạng ở ấp xã đồng thời chỉ huy dân vệ đánh phá cơ sở cách mạng ở ấp xã. Đoàn công dân vụ đến xã An Lục Long ở trụ sở tề xã tại Cầu Đôi, kết hợp với tề, với dân vệ hàng ngày mặc áo đen xuống dân tuyên truyền quảng cáo cho chế độ Diệm, ly gián cán bộ Cộng sản, những gia đình có con em đi tập kết. Chúng tổ chức Ngũ gia Liên Bảo để các gia đình kiểm soát lẫn nhau, lập danh sách gia đình đi kháng chiến hồi cư, người tập kết ra Bắc. Nắm được danh sách, chúng tiến hành bắt các gia đình ấy làm tờ ly khai Cộng sản, làm tờ tố cộng, làm tờ kêu gọi chồng, con em về. Chúng bày việc ngủ khóm, là bắt các gia đình tối đến đình, đến bót, đến nhà nào đó do chúng chỉ định để ngủ, để có dân vệ và công dân kiểm soát. Gia đình cán bộ, chiến sĩ đi tập kết ra Bắc, bọn Công dân vụ ve vãn làm ly gián, làm mất uy tín gia đình cách mạng. Đoàn công dân vụ thực chất là đội quân tình báo, gián điệp của Diệm xuống dân để điều tra, kiểm soát, ly gián dân với cơ sở cách mạng và có kế hoạch đánh phá.

Trong giai đoạn này, nhiều xã ở Tổng Thạnh mục Hạ bị chúng chỉ đạo ký quản bắn giết cán bộ ta như: Hương quản Đoàn ở Thanh Vĩnh Đông đêm đi bắt cán bộ, du kích hồi cư, bắn chết chặt đầu bêu ở các đường đi. Tên Hương quản Dồn ở Thuận Mỹ vừa nhận chức tìm bắn chết vài người để lấy lòng tin với công dân vụ. Tên Hương quản Thấm ở Thanh Phú Long cũng đi tìm bắt du kích hồi cư để có lòng tin. Địch tăng cường hoạt động khủng bố và bắt được Mười Quyển. Tên này phản bội làm chỉ điểm cho giặc hàng loạt cán bộ bị bắt, hàng trăm gia đình bị chúng ức hiếp, đe dọa.

Trước tình hình đó chi bộ xã thực hiện chủ trương điều lắng, đưa những cán bộ bị lộ đi nơi khác, những người còn ở lại kiên trì bám trụ tổ chức lực lượng. Trong số này có các đồng chí Sáu Hòa, Sáu Hảo. Ta tổ chức cán bộ học tập giữ vững khí tiết, hướng dẫn biện pháp đấu tranh với giặc. Chi bộ cũng muốn bảo toàn lực lượng cách mạng và giữ được phong trào phải dùng bạo lực cách mạng để đè bẹp bộ máy kèm kẹp ở xã, ấp. Đồng chí Năm Thạc được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng võ trang xã.

Năm 1957, Mười Quyển đầu hàng và khai chỉ rất nhiều cơ sở ở An Lục Long, Long Trì, Phước Tân Hưng, Thanh Phú Long. Hàng chục cán bộ, nhân dân xã An Lục Long bị bắt đi tù như Mười Kiên, Sáu Lý, Mười Nhu …

Đồng chí Sáu Hoà là Huyện uỷ viên được phân công bám lại xã An Lục Long củng cố lòng tin trong dân. Đồng chí Sáu Hoà chỉ đạo tất cả các đồng chí lộ liễu của An Lục Long đi tản cư, như Sáu Thắng, Mười Thôi, và một số thanh niên có sức khoẻ cho chạy vào Ba Thu (Campuchia) chờ thời cơ trở về xã. Nhiều xã bị địch đánh tan rã như Thanh Vĩnh Đông, nhưng nhân dân An Lục Long đã kiên định lập trường, tạo địa hình, làm hầm bí mật để cán bộ bám trụ. Tình hình quá khó khăn, địa chủ ngóc đầu dậy thu tô. Lê Phát Thanh có đại diện là Tư Quới về An Lục Long, Thanh Phú Long thu tô, Sư Phát, Cả Thơ cũng về lấy ruộng lại, thu tô. Mặc dù chưa có chủ trương nhưng nhân dân cũng tự trừng trị Sư Phát, tên Quới, đại diện Lê Phát Thanh…

Đầu năm 1958, chi bộ tiếp tục xây dựng các đội Nhà vàng, hội banh để hoạt động công khai. Lực lượng bí mật gồm đoàn Thanh niên thanh lao (Năm Thạc làm bí thư), Tư Vị phụ trách nông hội với Hội mẹ chiến sĩ, Hội phụ nữ hình thành 3 mũi giáp công. Về chính trị, nhân dân xã tiếp tục đòi thả tù chính trị, chống bắt con em đi lính. Về binh vận, ta thuyết phục quần chúng không cho con em đi lính cho giặc, ủng hộ gạo nuôi quân. Đồng chí Sáu Hoà được Huyện uỷ phân công liên kết hai xã Thanh Phú Long, An Lục Long xây dựng cơ sở và phá thế kềm kẹp của địch. Sáu Hoà xây dựng Năm Thạc làm Bí thư Đoàn thanh niên Lao Động, triển khai công tác bảo vệ trong Thanh niên, Tám Đúng cũng được đồng chí Sáu Hoà phân công nằm trong lực lượng thanh niên và Tư Vị nắm lực lượng nông dân.

Trong lúc khó khăn, đồng chí Sáu Hoà được 1 nông dân ấp chợ Ông Bái đem giao 1 khẩu col 12, lý do là cán bộ đi tập kết gửi cất dùm và moi số súng lục nơi hốc mà Tám Ảnh để chôn cất, tạm có súng tự vệ, các đồng chí vững lòng tin hơn. Có chủ trương của Huyện uỷ, Sáu Hoà phối hợp với Ba Khao, dùng lực lượng thanh niên An Lục Long đến khống chế và giải tán cai Tổng Thạnh Mục Hạ. Lực lượng ta đột nhập vào nhà Cai Tổng Quan (ở La Cua) bắt trói lính bảo vệ và tước súng, đọc bản án kê tội tổng Quan.

Thắng lợi của việc giải tán Cai Tổng cai tề xã đều lo âu, nhưng canh phòng cẩn mật. Đồng chí Sáu Hoà cho họp lực lượng thanh niên 2 xã Thanh Phú Long và An Lục Long đồng loạt và chỉ đạo diễu hành các ấp Nhà việc, Cầu Hàng, chợ Ông Bái, bắn súng và phát loa giải tán tề, chủ ấp, dân vệ, đồng thời đốt hết các chòi canh trong xã An Lục Long. Dùng lực lượng võ trang phát động, đồng thời hướng dẫn nhân dân đấu tranh bỏ việc ngủ khóm, ngủ đình, dân vệ bỏ canh gác chủ ấp xin nghỉ việc. Do kết hợp đấu tranh võ trang và chính trị, bọn tề và công dân vụ bỏ lửng việc canh gác và kiểm soát ban đêm và chính bản thân bọn tề và công dân vụ ban đêm cũng không dám rời khỏi bót sợ bị diệt.

Trong lúc phá kềm ở An Lục Long thì ở Vĩnh Công diệt tên hương quản Bổn ác ôn, ở Hiệp Thạnh diệt tên chủ ấp Sơn. Sự tác động mạnh mẽ của những hoạt động này làm cho tề ấp ở An Lục Long lo sợ, một số bỏ việc. Từ đó An Lục Long tạo được thế làm chủ ban đêm tại ấp Cầu Hàng, Nhà việc, chợ Ông Bái và liên kết với Tân Long thành vùng du kích.

 Tháng 5 năm 1959, khi Diệm ban hành sắt lệnh đẫm máu, xử tử ai được coi là Việt cộng, thì ở An Lục Long hình thành lực lượng võ trang do các đồng chí Sáu Hòa, Năm Định, Bảy Tân ở huyện về chỉ đạo trực tiếp. Sự kiện đánh dấu hoạt động võ trang là đồng chí Sáu Hòa cán bộ huyện ủy, nửa đêm bắn súng kêu gọi anh em đồng loạt đốt chòi canh ở Nhà Việc và Chợ Ông Bái. Lực lượng võ trang tự vệ vừa thành lập đã hoạt động mạnh ở chợ Ông Bái, Cầu Hàng, Cầu Đôi, Cầu Kinh. Chính quyền Diệm kéo lê máy chém đi các tỉnh để doạ dân nhưng ngược lại dân căm thù uất hận đến cao độ về Luật 10/59. 

Trước tình hình đó, Đảng ra Nghị quyết 15 xác định bản chất của kẻ thù và vạch rõ nhiệm vụ cách mạng miền Nam phải kết hợp võ trang và chính trị, phải dùng bạo lực cách mạng để đánh đuổi kẻ thù. Được học tập Nghị quyết 15, cán bộ và nhân dân rất phấn khởi và tin tưởng, sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa.

 2. Từ đồng khởi đến phá ấp chiến lược (1961-1965)

Ngày 06 tháng 01 năm 1960, Tỉnh ủy Long An quyết định phát động phong trào quần chúng khởi nghĩa vũ trang theo Nghị quyết 15 của Trung ương. Lực lượng vũ trang của xã phát triển 8 tay súng, đồng chí Năm Thạc làm xã đội trưởng, Tám Đúng phụ trách thanh niên giải phóng, tổ chức quần chúng cuốc đường, đắp mô, trấn áp tề điệp tiến lên đồng khởi mở rộng vùng giải phóng. Các mẹ, các chị trong “đội quân tóc dài” tổ chức xách vỏ bàng, giả vờ tụ tập nhau lại kéo lên quận lỵ biểu tình đòi thả chồng con, chống bắt lính, chống ném bom, bắn pháo…

Ngày 25 tháng 1 năm 1960, Tỉnh uỷ Long An ra lời kêu gọi khởi nghĩa trong toàn tỉnh và đưa tin thắng lợi trận Đức Lập. Quần chúng toàn tỉnh nhất trí nổi dậy tấn công tề xã ấp. Ngày 28/1/1960 (mùng 1 tết Canh Tý) ta đánh đồn Đông Thạnh (Cần Giuộc). Lực lượng võ trang Huyện Châu Thành và trung đội 235 và trung đoàn 508 của tỉnh về Huyện Châu Thành hổ trợ các xã nổi dậy Đồng khởi, đêm đêm trống mõ nổi lên đều khắp các xã trong huyện.

Tại An Lục Long đồng chí Năm Thạc, Tám Đúng phát động toàn xã nổi dậy đánh trống mỏ áp đảo tề xã ấp, gần 2 trung đội hành quân trong các ấp Cầu Đúc, Cầu Kinh, Cầu Đôi và chợ Ông Bái, đốt hết các trạm canh, kêu gọi dân vệ trở về gia đình làm ăn, giải tán tề xã. Cuộc hành quân ở An Lục Long như bộ đội về thật, thỉnh thoảng các đồng chí có mang súng thật vào nhà dân xin nước uống và nói chuyện với đồng bào. Sáng ra lực lượng nòng cốt trong dân hướng dẫn các gia đình binh sĩ đến đồn bót kêu con em về. Có ấp tổ chức đồng bào tản cư ngược ra chợ Tầm Vu, tác động binh sĩ có Việt cộng về sợ 2 bên đánh nhau nên tản cư. Tề xã hoảng hốt mỗi chiều trốn ra chợ Tầm Vu ngủ. Tề ấp tan rã, dân vệ rã ngũ không đi canh gác và bỏ trốn.

Ngày 12 tháng 2 năm 1960, lực lượng vũ trang Huyện dùng xe đò chạy thẳng vào bót Tham Nhiên, tập kích bót Tham Nhiên ban ngày. Trận này chưa thắng lợi về vật chất, nhưng gây tác động lớn đến bọn ác ôn và dân vệ, chúng nơm nớp lo sợ bị tấn công cả ban ngày lẫn ban đêm. Ta cũng dùng hình thức nghi binh hành quân, làm cho địch ở đồn Lộ Dừa rạch Tràm (Tân Long) bỏ trốn. Ấp Tân Long được giải phóng liên kết với ấp chợ Ông Bái thành vùng giải phóng.

An Lục Long đã giải phóng các ấp Cầu Kinh, Cầu Đôi, Câu Hàng, chợ Ông Bái và 1 phần ấp Nhà việc, trong xã chỉ còn bót ngã tư Cầu Vuông. Công tác binh vận được triển khai rộng toàn xã, các gia đình có con em đi lính nguỵ được kêu gọi trở về, lính bảo an và chủ lực nguỵ được viết thư kêu gọi trở về làm ăn sẽ được khoan hồng và giúp đỡ.

Đặc biệt là ở ấp Cầu Hàng có anh Đoàn Công Đời (Tám Đời) con ông Bầu Hộ đi lính bảo an và được đưa về làm trưởng bót Tham Nhiên (Phước Tân Hưng) thay cho Ách Phấn bị ta diệt. Đời tỏ ra hung hăng nhưng binh vận của xã do đồng chí Năm Thạc và binh vận Huyện trực tiếp gặp gia đình giáo dục. Tám Đời có các người anh ruột là Năm Khoe, Sáu Khoan và Bảy Đã đều là nông dân nghèo được cách mạng chia cấp đất, cả gia đình đều quan hệ tốt với cách mạng kể cả bên vợ anh Đời cũng tham gia cách mạng. Đồng chí Năm Thạc cùng binh vận Huyện trực tiếp đến gia đình, viết nhiều thư kêu gọi Tám Đời. Gia đình kiên trì tới lui giải thích về lập trường cách mạng, về việc cách mạng đối xử tốt với gia đình; đến lần thứ 30 thì Tám Đời tỉnh ngộ đồng ý làm nội tuyến lập công trở về cách mạng. Kế hoạch diệt đồn thành công, ta bắt sống 1 trung đội bảo an, thu 30 súng các loại diệt 1 số tên ác ôn. Tám Đời về xã An Lục Long được đồng bào yêu mến. Binh vận Huyện phân công Tám Đời phụ trách binh vận xã An Lục Long. Sau này Tám Đời bị biệt kích địch phục kích và hy sinh.

Qua đợt Đồng khởi, Chi bộ An Lục Long trưởng thành, vận dụng hiệu quả 3 mũi giáp công phá thế kềm kẹp của nguỵ, mở rộng vùng giải phóng. Lực lượng thanh niên phát triển mạnh du kích xã phát triển hơn 1 tiểu đội. Dù có nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, du kích vẫn thể hiện tinh thần kiên cường bám trụ, gây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng. Chi bộ An Lục Long đã nhạy bén, linh hoạt vận dụng hình thức đấu tranh tuyên truyền vũ trang, làm cho lực lượng tề bớt hung hăng và dần dần co cụm  hoặc rã ngũ. Vùng giải phóng An Lục Long gồm 6 ấp (chợ Ông Bái, cầu Hàng, cầu Đôi, cầu Ván, cầu Kinh, cầu Đúc) liên hoàn với Thanh Phú Long. Địch chỉ còn bót ở Ngã tư Cầu Vuông, thuộc ấp Lộ Đá, nhưng chúng co cụm lại, tề tan rã không hoạt động.

Cuộc Đồng khởi năm 1960-1961 ở Long An và các địa phương Nam bộ làm tan rã và rung chuyển cả hệ thống và chế độ thực dân mới. Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời được nhân dân hồ hởi ủng hộ, vùng giải phóng của tỉnh, huyện, xã ngày càng mở rộng.

Jefrey Rooce, cố vấn quân sự Mỹ phải ghi nhận: “Đầu năm 1960, Đảng trở thành người cai trị trên những khu vực đáng kể như tỉnh Long An, dần dần mở rộng và cũng cố quyền kiểm soát trong những năm tiếp sau”.

Chế độ Diệm không còn thời kỳ ổn định nữa, nội bộ mâu thuẫn sâu sắc. Để cứu vãn tình thế đó, từ đầu năm 1961 Mỹ đã can thiệp sâu hơn nữa vào miền Nam, thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt với biện pháp quan trọng là tăng cường lực lượng quân sự và tiến hành quốc sách Ấp chiến lược. 

Ấp chiến lược vòng ngoài có bờ và mương sâu trên 2m, được bao bọc 3 lớp kẽm gai, có cọc sắt gài mìn và lựu đạn, dưới hào có hầm chông. Vòng trong có bờ thành chân 2.5m, cao 1.6m, mặt 1m có cắm chông phía ngoài. Bốn góc có lô cốt, dân gọi là chuồng cu. Trên chuồng cu ấy có lính gác. Nhà dân bên trong cất theo hàng, mỗi nhà có đánh số, đêm có chong đèn trước cửa. Dân ra vào ấp theo cửa ấp có canh gác và có quy định giờ, có lính canh gác và kiểm tra lúc ra vào cổng. Lương thực trong nhà không được để dư, vì sợ tiếp tế cho Việt cộng. Mỗi nhà sắm 1 mõ tre, nếu có Việt cộng vào báo động bằng đánh mõ. Mỗi ấp chiến lược nhốt từ 1.000 đến 2.000 người dân. Ấp chiến lược là nhà tù Mỹ - Diệm dựng lên để nhốt nhân dân miền Nam với ý đồ tách dân ra khỏi cộng sản.

Ở An Lục Long địch lập 2 ấp chiến lược tại ấp Lộ Đá và ấp Cầu Đúc. Ấp chiến lược Lộ Đá có bót ngã tư Cầu Vuông ấp chiến lược chạy dài theo lộ 21 đến voi Ba Liền. Ấp chiến lược Cầu Đúc có bót Long Trì, ấp chiến lược cặp theo lộ đi Ông Văn, có bót cái Long Trì kiểm soát. Địch gom dân An Lục Long vào 2 ấp chiến lược - nhà tù Lộ Đá và Cầu Đúc. Dân không thể bỏ ngôi nhà mảnh ruộng để vào ấp chiến lược, lấy gì để sống, nên họ đấu tranh chống gom dân vào ấp chiến lược. Địch tăng cường 1 trung đoàn của sư đoàn 7 ở nam lộ 4 và 2 đại đội bảo an cùng dân vệ cảnh sát đặc biệt, tổng cộng gần 1.000 tên chia nhau xuống từng xã, có xe tăng thiết giáp hỗ trợ, chúng ruồng bố gom dân, mỗi tháng hàng chục lần càn quét bắt dân vào ấp chiến lược. Nhưng đến cuối năm 1962, nhân dân An Lục Long vẫn đấu tranh không vào ấp chiến lược.

Năm 1961, Bí thư chi bộ xã lúc này là đồng chí Bảy Tiên lãnh đạo việc phát triển lực lượng Đảng, các đoàn thể và lực lượng võ trang, đẩy mạnh chiến tranh du kích, đào hầm làm xã chiến đấu. Thợ rèn Hai Chi lấy nhíp xe làm mã tấu cho du kích. Đồng chí Tư Bổn chế súng ngựa trời ở chợ Ông Bái. Tiếng đồn về súng ngựa trời bắn trầy da cũng chết làm giặc sợ hãi. Cuối năm 1961, lực lượng võ trang treo cờ gần đồn, phục kích đánh trung đội địch do tên Chín Bè chỉ huy. Uy thế của Đảng ngày càng tăng lên.

Trong suốt 2 năm, địch kiểm soát ấp Nhà việc, Lộ Đá và một phần của ấp Cầu Đúc. Quốc sách ấp chiến lược đề ra từ năm 1962, nhưng phải đến khi tăng cường vũ khí, trực thăng, chiến xa vận chúng mới thực hiện được kế hoạch này. Mục đích của chúng là tách cán bộ ra khỏi dân, tát cạn nước để bắt cá.

Tháng 2 năm 1963, địch mở nhiều trận càn vào vùng giải phóng, sau đó cho xe GMC chở lính vào cào nhà dân, bắt phải thu dọn đồ ra ấp chiến lược. Vùng ấp chiến lược là các ấp Cầu Đúc, Lộ Đá, dưới áp lực của giặc, nhân dân phải tạm thời rời bỏ ruộng vườn gánh gồng hoặc dùng xe bò chở đồ đạc ra đi. Họ ra đi trong sót xa vì mất mát tài sản, căm thù giặc đã chạm đến chỗ thiêng liêng nhất trong lòng khi bắt họ rời bỏ tổ tiên ông bà và mảnh đất bao đời thân thuộc.

Mùa khô, địch càn vào ấp xóm có xe ủi, xe thiết giáp và trực thăng hộ tống, chúng vào ấp gom dân, ủi sập nhà, cho xe chở dân về ấp chiến lược. Địch càn quét đến đâu dỡ nhà đến đó, chở về ấp chiến lược, đồng thời pháo bắn liên tục vào địa hình, phá huỷ nhà cửa, địa hình, dân không còn chỗ tránh né buộc dân phải vào ấp chiến lược.

Đến tháng 5 năm 1963, địch đã hoàn thành ấp chiến lược Lộ Đá và Cầu Đúc và gom được một bộ phận dân An Lục Long vào đó. Nhưng phong trào đấu tranh chống phá ấp chiến lược vẫn không chấm dứt. Đồng chí Lê Văn Tùng là cấp uỷ xã An Lục Long bám sát dân hướng dẫn chỉ đạo đấu tranh. Chị em phụ nữ liên tục đấu tranh đòi về ruộng vườn địch bắn pháo vào ruộng, gia đình anh Tư Nên chết 3 người, đội quân tóc dài và nhân dân kéo biểu tình từ ấp chiến lược Lộ Đá đến quận Bình Phước đòi đền mạng, đòi không được bắn pháo vào đồng ruộng và cho dân ban ngày được về ruộng vườn cày cấy, cuộc đấu tranh thắng lợi, địch tạm ngưng bắn pháo bừa bãi và cho dân ban ngày về ruộng vườn.Sau đó du kích xã phối hợp Đại đội 313 của huyện tiến ra cắt rào phá ấp chiến lược, bắn bị thương một dân vệ, thu 1 cacbin, một súng săn. Các đồng chí Tám Đúng, Tám Nào và Mười Diệu giữa ban ngày giả trang chém tên Giao và tên Quý tại quán ông Thơ Đức, cách bót khoảng 100m.

Binh vận xã vận động các gia đình có con em làm lính trong ấp chiến lược bỏ ngũ nộp súng. Đồng chí Hai Tôn và Năm Xướng ra tận ấp chiến lược thu súng đem về trang bị cho du kích xã. Cơ sở mật của ta trong ấp chiến lược tự đốt vài căn nhà lụp xụp của mình rồi đánh mõ báo động có Việt cộng. Sáng hôm sau nhân dân đấu tranh đòi về chỗ cũ với lý do sống trong ấp chiến lược không an toàn, không yên ổn và sẽ chết đói. Nhân dân viện lý do không đảm bảo an ninh và tự động gồng gánh đồ đạc về vuông vườn cũ. Thế là người ra người vào như đi chợ, lính dân vệ không ngăn cản nổi đành thả lỏng, ấp chiến lược bị phá lỏng từ ấy.

Đến tháng 6 năm 1963, địch bắt dân đi đào đắp các con kinh ấp chiến lược, cắm chông tre, xây rào kẽm gai bao quanh. Mỗi nhà ban đêm phải đốt đèn treo cửa, phải làm mõ tre báo động khi có “Việt Cộng”. Dân sống trong rào dây kẽm gai nên không thể liên lạc với cách mạng được. Chúng còn lập thanh niên chiến đấu có trang bị súng, đêm đêm phải đi tuần, canh gác bảo vệ ấp chiến lược.

Tháng 8 năm 1963, lực lượng 313 có kế hoạch phá ấp chiến lược Lộ Đá nhưng lực lượng ta đụng tao ngộ với lực lượng địch đi tuần tra, địch chết 10 tên, lực lượng ta rút về ấp Cầu Hàng phối hợp với lực lượng 514 chuẩn bị chống càn. Sáng hôm sau địch phối hợp với Mỹ Tho càn quét vào ấp Cầu Hàng và xã Quơn Long (Chợ Gạo), có phi cơ dội bom và pháo yểm trợ. Kết quả trận chống càn ta diệt địch trên 100 tên của sư đoàn 7 địch tại đây. Du kích An Lục Long cũng phối hợp với du kích Dương Xuân Hội, Phước Tân Hưng trừng trị tên Đô ác ôn gây nợ máu nhằm cảnh cáo những tên ác ôn khác trong vùng.

Ấp chiến lược ở An Lục Long đến tháng 9-1963 căn bản bị phá rã, nhân dân về ruộng vườn cũ, che chòi, cất trại làm ăn, và đến tháng 11-1963 Diệm, Nhu bị giết, nội bộ chính quyền địch đảo chính lẫn nhau. Ấp chiến lược coi như khai tử, nhân dân tự do phá banh ấp chiến lược trở về chỗ cũ cất nhà cửa lại và củng cố địa hình vùng giải phóng của xã.

Năm 1964, Huyện phát động 2 đợt tòng quân để bổ sung cho lực lượng Tỉnh và Huyện, đồng thời Huyện cử 1 tiểu đội du kích xã An Lục Long để bổ sung cho đại đội 313. An Lục Long đưa về huyện 1 tiểu đội và lấy du kích mật lên bổ sung hai tiểu đội du kích xã có vũ khí đầy đủ. Du kích xã hướng dẫn lực lượng thanh niên bảo vệ địa hình xây dựng xã chiến đấu. Trong địa hình đào nhiều hầm tránh bom pháo, hầm bí mật, hầm chông, lối vào vẽ bản tử địa, ngoài địa hình đào kinh, đắp bờ chống xe tăng. Vùng giải phóng của xã từ ấp Cầu Kinh, Cầu Ván, Cầu Đôi, Cầu Hàng, chợ Ông Bái liên hoàn với ấp Tân Long và Quơn Long.

Trong 2 đợt tòng quân, hàng chục thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong đó có anh Đực Đen ở ấp Lộ Đá mới 14 tuổi, nhỏ con, không đủ điều kiện vào quân đội. Đực Đen nhất quyết trốn theo bộ đội, lực lượng 313 của Huyện cho anh làm liên lạc trung đội, rồi liên lạc đại đội. Trận chống càn ở ấp Bình An (Thuận Mỹ) năm 1964, anh tỏ ra gan dạ thông minh, lúc địch xung phong anh dùng tiểu liên diệt hàng loạt địch, chặn đứng các đợt xung phong của địch. Sau trận chống càn này, đơn vị anh được tặng Huân chương chiến công hạng 3; Anh được thăng lên trung đội phó. (Năm 1968 chiến dịch Mậu Thân, địch phản kích anh xung phong diệt nhiều địch và hy sinh tại Ao Hoang. Đực Đen là một thanh niên An Lục Long gan dạ, dũng cảm nêu tấm gương sáng cho thanh niên xã An Lục Long).

Trên toàn miền Nam, vùng giải phóng được mở rộng, địch chỉ còn kiểm soát các đô thị và các đường giao thông huyết mạch. Quân Giải phóng miền Nam mở nhiều chiến dịch với những trận đánh lớn ở Bình Giã, An Lão, Đồng Xoài, Ba Gia... giáng cho quân Sài Gòn những đòn chí mạng. Quốc sách ấp chiến lược bị phá sản, kế hoạch bình định có trọng điểm của Giônxơn - Mac Namara bị thất bại, nội bộ chính quyền Sài Gòn lại lục đục. “Chiến tranh đặc biệt” là chiến tranh xâm lược bằng quân đội tay sai coi như thất bại.

Nhưng với bản chất đế quốc Mỹ là hiếu chiến, ỷ mạnh về quân đội, ỷ giàu về kinh tế, muốn làm bá chủ thế giới, nên Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh ở Việt Nam.

 3. Góp phần chống chiến lược chiến tranh cục bộ (1965-1968)

Năm 1965 Mỹ đưa vào miền Nam 200.000 quân Mỹ và 20.000 quân chư hầu (Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn và Philippin), chưa kể hải quân và không quân ở các căn cứ Thái Lan, Philippin sẵn sàng tham chiến, Mỹ đã chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam. Đồng thời Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ rồi dùng không quân đánh phá miền Bắc, dùng thuỷ lôi thả các hải cảng ở miền Bắc.

Ở Long An, Mỹ đổ quân vào lập các căn cứ ở Bến  Lức, Cầu Nổi, thị xã Tân An, Hiệp Hoà có đủ tàu chiến, để thường xuyên kiểm soát sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây. Mỹ lần lượt lập căn cứ Rạch Kiến (Cần Đước), Bình Tịnh (Tân Trụ), Tân An và Hiệp Thạnh (Châu Thành). Mỗi căn cứ đều có trọng pháo, xe tăng, sân bay trực thăng và ít nhất 1 tiểu đoàn lính Mỹ.

Tháng 12 năm 1966, Mỹ đổ quân ồ ạt vào chiến trường Long An. Ngoài những căn cứ xây dựng ở Tân An, Rạch Kiến, Bình Tịnh, chúng còn bố trí hơn 100 xe tăng án ngữ dọc theo quốc lộ 4 (nay là QL 1A) và hai hạm đội dò tuần trên sông Vàm Cỏ Tây. Với súng ống tối tân, chúng mở chiến dịch bình định và tìm diệt. Đầu tiên là chúng tăng cường bắt lính, biến lính bảo an thành địa phương quân, trả lương cao hơn, trang bị dồi dào hơn.

Tại chi khu Bình Phước cách An Lục Long không đầy 2km, chúng tăng cường cố vấn Mỹ, đặt pháo 105 ly, lập sân bay trực thăng, chúng huấn luyện lực lượng cán bộ bình định đưa về các thôn ấp. Những tên này mặc đồng phục bà ba đen, thâm nhập vào làng xóm vừa mua chuộc vừa do thám, mặt khác lại giở thủ đoạn khủng bố các gia đình cách mạng.

Chi bộ An Lục Long lúc này do đồng chí Hai Tôn làm Bí thư đã tổ chức quần chúng đào công sự, làm chông đinh, chông tre gài thế trận phục kích địch đi càn. Bọn lính đi càn lọt hầm chông mấy lần nên chỉ lẩn quẩn ở ấp Lộ Đá. Lực lượng du kích xã phát triển nhanh và mạnh, súng đạn cũng dồi dào hơn chứ không phải ít như hồi Đồng khởi. Trong xã dấy lên phong trào thanh niên đi dân công và tòng quân đánh Mỹ.

Đến tháng 10 năm 1965, huyện Châu Thành được giải phóng gần hết chỉ còn 2 xã Bình Tâm, Bình Lập. Cờ Mặt trận tung bay tự do trong vùng giải phóng Châu Thành. Các xã giải phóng trong đó có An Lục Long tích cực phối hợp 3 mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận), thực hiện nhuần nhuyễn lối đánh du kích để diệt địch. 

Địch tiếp tục xây dựng ấp chiến lược mang tên ấp Đời mới với hy vọng sẽ tách quần chúng ra khỏi cách mạng. Nhưng phong trào chống phá ấp chiến lược, chống phá ấp đời mới, cũng nhanh chóng phát triển. Lực lượng vũ trang huyện và xã phối hợp với nổi dậy của quần chúng đã làm cho ấp chiến lược của địch không thể hoàn thành được, phải xây dựng đi xây dựng lại.

Năm 1966, đồng chí Ba Tây làm Bí thư chi bộ xã tổ chức phòng tuyến chiến đấu. Địch đánh lớn, ta bám địa hình để bảo toàn lực lượng, địch đánh nhỏ ta tổ chức phản công. Nhờ quần chúng nuôi quân, ta xây hầm trong các vuông cũ bỏ hoang, gài trái chặn các lối đi. Ban đêm lực lượng ta ra lộ đắp mô, cắm cờ, chiều bắn “chọc lét” vào đồn giặc. Cán bộ binh vận bám quần chúng giải thích âm mưu của giặc khiến chúng không lúc nào yên.

Tháng 3 năm 1967, Mỹ đổ quân vào Châu Thành lập căn cứ Hiệp Thạnh do lữ đoàn 3 sư đoàn 9, quân số thường trực 1 tiểu đoàn 3 khẩu pháo 105, 4 khẩu tiểu pháo, 1 đại đội xe bọc thép (10 chiếc) và sân bay trực thăng. Quân số kể cả hậu cần là 300 tên, lúc cao điểm ruồng bố, tăng lên 1.000 tên Mỹ. Quân đội Mỹ san bằng 1 phần ấp 7 và ấp 8 Hiệp Thạnh kế cận cầu Tầm Vu về cầu Thầy Sơn. Khu căn cứ bao quanh bởi nhiều lớp kẽm gai có gài mìn. Có đèn cao áp chiếu sáng ở trung tâm, có câu lạc bộ để sỹ quan giải trí.

Căn cứ Mỹ ở Hiệp Thạnh cách xã An Lục Long 2 km, có Mỹ đến tham chiến, có cố vấn Mỹ chỉ huy, ngụy quân ở Bình Phước (Tầm Vu) thực hiện theo kế hoạch của Mỹ, đôn bảo an thành địa phương quân, dân vệ thành nghĩa quân, thanh niên ở ấp là phòng vệ dân sự, bắt thanh niên đủ tuổi bổ sung vào lực lượng trên cho đủ quân số. Lực lượng bình định có võ trang được Mỹ huấn luyện ở Vũng Tàu và phương pháp nắm dân, tổ chức gián điệp…

Địch thường xuyên tiến hành những cuộc hành quân có phi pháo và máy bay yểm trợ, máy bay Mỹ bắn rốc két và đại bác 105ly từ căn cứ Mỹ ở xã Hiệp Thạnh nã vào xóm ấp từ đầu hôm cho đến sáng. Nhân dân An Lục Long không thể nào quên những khi nhìn ruộng lúa chín vàng bị xe tăng nghiền nát. Nằm trong “tảng xê” mà thấy ánh sáng đèn dù và hỏa châu của giặc chiếu vào hầm. Đủ loại máy bay trực thăng: bồ nốc, cá lẹp… thi nhau nã đại liên vào vùng mà chúng gọi là “oanh kích tự do” kéo dài từ Cầu Kinh, Cầu Đôi, Chợ Ông Bái cho đến Thanh Phú Long. Trên địa bàn xã An Lục Long các ấp chợ Ông Bái, Cầu Hàng, Cầu Đôi, Cầu Ván, Cầu Kinh là vùng Mỹ quyết tìm diệt và bình định, nên mặc sức oanh kích và huỷ diệt. Lực lượng Mỹ và Sài Gòn liên tục ruồng bố, có khi kéo dài 3-4 ngày liền. Mỗi lần ruồng bố có máy bay trinh sát chỉ điểm, khu trục cơ oanh tạc, pháo dập tan nát địa hình, kế đến xe tăng thiết giáp xông vào, đồng ruộng lúa bị xe tăng cày nát làm nông dân đành bỏ hoang ruộng vườn ở các ấp trên. Đêm đến trực thăng soi đèn và bắn phá liên tục địa hình. Lính Mỹ, chư hầu và lính Sài Gòn bắt và bắn giết cán bộ, đồng bào kéo xác phơi trần truồng ngoài lộ nhằm khủng bố tinh thần nhân dân. Ở Thanh Phú Long địch bắn chết anh Huỳnh Văn Phên, chúng chặt đầu đem về bêu tại chợ Ngã tư.

Trước tình hình trên cấp uỷ xã An Lục Long đề ra kế hoạch đối phó, hướng dẫn nhân dân bám trụ. Du kích và lực lượng thanh niên xã đào kênh và đắp bờ chống xe tăng, tạo điều kiện chống tăng địch khi vào ruồng bố. Trong địa hình đào nhiều công sự chống bom pháo, đào nhiều hầm chông, hố chông theo lối đi, gài trái và lựu đạn, cắm bảng tử địa ở các lối đi, hướng dẫn đồng bào cho ông bà, già trẻ em ban đêm đi tản cư vào các chòi ruộng lẻ tẻ giữa đồng ở các ấp Nhà việc, Lộ Đá là vùng gần bót chúng ít bắn phá. Cán bộ và du kích xã cũng bí mật di chuyển ra khỏi địa hình, lựa những nơi trống trải và sơ hở làm hầm bí mật để tránh bom pháo.

Tất cả mọi hoạt động của địch lần lượt bộc lộ sơ hở và có quy luật. Du kích xã dựa vào quy luật và sơ hở của chúng mà bố trí hầm hố và gài lựu đạn và bắn trả tiêu hao địch. Lực lượng du kích xã lúc này có 30 tay súng lo việc chống càn bảo vệ căn cứ, bảo vệ dân, lực lượng du kích mật và thanh niên lo việc đào hầm hố chông gài lựu đạn, bố trí bảng tử địa để bảo vệ căn cứ. Chỉ có 4 ấp vùng căn cứ địa hình của xã An Lục Long mà hàng ngàn tên địch vẫn không bình định được. Đồng chí Đực Đen ở xã An Lục Long cũng đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ[6].

Lực lượng du kích, vẫn phát triển bất chấp áp lực của địch. Du kích phối hợp lực lượng trên đánh úp đồn An Lục Long giết chết 7 địa phương quân, phá sập đồn. Sau trận này, khu địa hình của xã mở rộng gần ¾ diện tích. Lực lượng võ trang xã có trên 30 tay súng và làm chủ hoàn toàn khu địa hình. Từ đây ta bung ra đánh tỉa các lực lượng đi càn, điển hình là các trận Cầu Bần gần nhà máy Tư Ngãi.

  Quân Mỹ và quân Sài Gòn có quân số đông, nhiều vũ khí tối tân nhưng trước sức chiến đấu quyết tử của quân ta nên chúng bị tiêu hao khá lớn. Địch muốn bình định và tìm diệt các lực lượng cách mạng. Nhưng chúng không thể ngăn chặn được sức tiến công của cách mạng.

Từ cuối năm 1967, huyện và tỉnh phát động phong trào tòng quân, tổ chức hũ gạo nuôi quân. Hàng chục thanh niên nam, nữ An Lục Long tòng quân vào dân công hoả tuyến cho lực lượng miền. Xã An Lục Long chọn đưa về Huyện 1 tiểu đội du kích để bổ sung cho lực lượng 313  của Huyện, từ 1 đại đội tiến lên đủ 3 đại đội. Nông dân xã An Lục Long đảm trách phần hậu cần khi có chiến dịch, tiếp tế lương thực và cất dấu lực lượng khi cần chuyển đi, mua thuốc men dụng cụ cứu thương, ghe xuồng, xẻng, cáng để tải thương binh, bệnh binh, gồm ni lông đề phòng khi tử thương để mai táng. Ấp cầu Ván, cầu Đôi tạo 1 điểm làm trạm quân y và thường trực có đầy đủ thuốc men và lương thực thực phẩm và có lực lượng thanh niên võ trang của xã để bảo vệ trạm quân y.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 quyết định động viên toàn dân, toàn quân nỗ lực đưa cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam lên một bước phát triển mới, thực hiện tổng công kích nổi dậy đồng loạt trên khắp miền Nam đưa chiến tranh vào tận sào huyệt địch bẻ gãy và làm thất bại chiến tranh cục bộ của Mỹ.

Đảng bộ An Lục Long được học tập và quán triệt sự chỉ đạo của Huyện uỷ Châu Thành, việc học tập được mở rộng ra lực lượng thanh niên và các tổ chức cách mạng trong xã. Sau học tập An Lục Long chuẩn bị ráo riết cho cuộc tổng công kích Mậu Thân đã thực hiện các việc: Củng cố lực lượng thanh niên đảm nhận trách nhiệm vận động tòng quân bổ sung lực lượng xã, Huyện tỉnh và miền. Lúc ấy An Lục Long và huyện Châu Thành trực thuộc Phân Khu III, Phân Khu uỷ và 6 tiểu đoàn lực lượng miền về đóng ở vùng hạ Huyện Châu Thành, chuẩn bị tổng công kích phía Nam Sài Gòn.

Xã đội An Lục Long đã đưa về Huyện 2 tiểu đội, còn lại 1 tiểu đội, nên phải củng cố lại cho đủ 2 tiểu đội, du kích xã luôn luôn bám sát bót An Lục Long (ngã tư Cầu Vuông), chống càn, bao vây, bắn tỉa khi thấy địch ra khỏi bót.

Đúng ngày mùng 1 tết Mậu Thân là vào chiến dịch. Du kích xã có bộ đội phối hợp đã sẵn sàng bao vây đồn bót địch và chống càn. Theo yêu cầu chiến dịch, lực lượng thanh niên, dân công đều sẵn sàng tiếp tế lương thực, tải đạn, đưa bộ đội qua sông. Quân y của Khu III và của Huyện Châu Thành chia nhiều trạm đóng từ Thanh Vĩnh Đông, Thanh Phú Long đến ấp Cầu Ván xã An Lục Long.

Khi Tổng tấn công nổ ra, các thương binh của khu đưa về An Lục Long rất đông – khoảng 500 người, của Huyện khoảng 50 người. Được các trạm quân y và nhân dân chăm sóc chu đáo, đồng bào tiếp tế lương thực, thuốc men đầy đủ, nên anh em sớm được bình phục.

Trận tổng công kích Mậu Thân (1968) tuy ta có bị khó khăn, các lực lượng, các binh chủng của ta hợp đồng chiến đấu chưa chặt chẽ. Cơ giới và pháo ta chưa đủ sức áp đảo địch, ta có bị tiêu hao nặng nhưng đã biểu hiện sự hy sinh anh dũng các chiến sĩ và nhân dân ta. Một sự hy sinh to lớn của đồng bào nhân dân để tiếp tế nuôi dưỡng và che chở cho chiến sĩ ta khi gặp khó khăn, lòng thương yêu che chở của nhân dân là vô tận. Đặc biệt là trận chiến đấu và hy sinh của hơn 100 chiến sĩ tiểu đoàn 263 tại ấp Cầu Ván – An Lục Long ngày 7/4/1968 âm lịch, đã được nhân dân nơi đây chăm sóc và khâm liệm chu đáo[7].

 4. Ra sức chống phá bình định, tiến lên giải phóng quê hương (1969-1975)

Sau tổng tấn công năm Mậu Thân 1968, địch điên cuồng phản kích nhằm giành lại các vùng đã mất. Chúng phối hợp lực lượng của Tân An và Mỹ Tho thành 2 cánh áp sát vùng địa hình có xe tăng, trực thăng yểm trợ. Người chết, nhà cháy, ruộng bị bỏ hoang hoặc làm ra hạt lúa trong nỗi lo âu thấp thỏm. Vườn tược bị rải thuốc khai hoang. Chúng cho ném bom xăng liên tục để phá hoại địa hình.

Ở các vùng cửa ngõ Sài Gòn, Long An, Châu Thành và 1 số nơi khác, Mỹ tiếp tục tăng quân và cố vấn cho lực lượng ngụy bình định cấp tốc. Ở huyện Châu Thành năm 1969 Mỹ cùng ngụy quyết tâm giữ lộ 21 lộ 8 bằng cách xây dựng các cầu Rạch Heo, cầu Phủ Cung, cầu Phú Lộc, các cống như Cống Lau (Bình Quới), cống Nghị Nghĩa (lộ 21 TM), xây dựng đến đâu đóng bót đến đó, giữ cầu và lấn chiếm vùng giải phóng của huyện xã. Đội đặc công huyện liên tục tranh chấp đánh phá các cầu cống, tranh chấp ác liệt nhất là đoạn Vĩnh Công - Hoà Phú đoạn từ cống Nghị Nghĩa đến Rạch Heo. Nhưng cuối cùng địch cố bám giữ được 2 trục lộ trên và lấn chiếm 1 số vùng giải phóng .

Năm 1969, địch xây bót Cầu Kinh, Cầu Đôi, chợ Ông Bái đưa đại đội 847 do tên Đại Uý Mai khét tiếng ác ôn về đóng. Chúng bắt dân đi làm công, đốn dừa, đào đất đắp lô cốt. Mỗi bót có hàng chục hàng rào kẽm gai bao bọc. Dọc theo hàng rào, chúng cài lựu đạn, mìn Clay-mo. Các đồn bót đều có vô tuyến liên lạc với nhau và với chi khu quận Bình Phước. Bọn cán bộ bình định ban ngày tỏa xuống xóm ấp thực hiện tâm lý chiến. Ở ấp, chúng lập các trưởng ấp, bắt dân làm tờ khai gia đình rất chặt chẽ, cứ 15 tuổi trở lên phải làm thẻ căn cước, thanh niên từ 15 tuổi đến 18 tuổi và cụ già từ 40 đến 50 tuổi phải vào nhân dân tự vệ, ban đêm phải đi gác…

Bọn mật thám (Ban 2) ở chi khu Bình Phước tổ chức mạng lưới chỉ điểm, vì chúng đánh hơi hầu hết cán bộ trung kiên của xã, huyện đều đóng ở vùng địa hình An Lục Long (chợ Ông Bái, Cầu Đôi). Tên Đại úy Công ra sức cho lính khủng bố và áp sát dân, phá địa hình; nhờ thành tích giết người, mà chỉ sau mấy tháng làm quận trưởng, hắn đã được thăng thiếu tá. Địa bàn hoạt động du kích xã dần bị thu hẹp lại vì hành lang nối phía Bắc và Nam lộ 4 bị cắt nên không có quân chủ lực hỗ trợ. Cán bộ xã phải sống dựa vào sự đùm bọc của nhân dân. Sau tết Mâu Thân địch phun thuốc khai hoang bằng máy bay từ Cầu Ván đến Thanh Phú Long. Ta phải ra sát đồn địch để đào hầm bí mật và tránh chất độc hoá học.

Tề xã với cái tên mới là “ban đại diện xã” cùng mạng lưới tình báo, chỉ điểm tìm cách ức hiếp nhân dân. Chúng tống tiền những gia đình có con em thoát ly theo cách mạng hoặc trốn lính. Tên đồn trưởng Chiêu trở thành tên ác ôn nổi tiếng. Chỉ sau mấy năm làm lính đánh thuê, nay ứng cử vào ban đại diện xã, mặc áo bỏ trong quần, tóc tém đi nghênh ngang ngoài lộ.

Cuối năm 1969, Mỹ -ngụy đưa lực lượng bảo an cấp đại đội đóng bót bảo vệ tề xã, các ấp có bót cấp trung đội bảo an có phối hợp các lực lượng dân vệ, phòng vệ dân sự canh giữ các tua ở trục lộ và xung quanh bót bảo an. Xã An Lục Long địch triển khai đại đội 847 và 479 bảo an đóng bót xã Ngã Tư Cầu Vuông cấp đại đội, bót Cầu Đôi cấp trungđội, cả bót Cầu Kinh, chợ Ông Bái cấp trung đội. Như thế Mỹ- ngụy quân sự hoá bộ máy quận xã, tề xã kết hợp với bọn phượng hoàng bình định xuống từng ấp lập danh sách gia đình kháng chiến, danh sách thanh niên từ 18-35 tuổi để bắt lính đưa vào bảo an, phòng vệ dân sự v.v… Chúng tiến hành điều tra lực lượng ta trong đợt Mậu Thân vừa qua, hăm doạ, ly gián và tống tiền các gia đình kháng chiến.

Xã An Lục Long khỏang 5.000 dân, chúng bố trí 4 đồn bót có 2 đại đội bảo an, 1 trung đội phượng hoàng cộng với 250 lính phòng vệ dân sự ở các tua. Tổng cộng hơn 500 lính có vũ trang, như thế 1 lính giữ 10 dân. Đóng bót vào vùng lõm giải phóng, chúng cho phát quang địa hình từ cầu Kinh đến chợ Ông Bái, Rạch Tràm xã Thanh Phú Long, bắt dân đốn cây phát hoang tạo tầm nhìn xa và kiểm soát các xóm ấp.

Năm 1970, Thiệu ra Sắc lệnh 3/70 về “Người cày có ruộng”. Theo đó chúng cấp bằng khoán ruộng đất cho nông dân để cướp thành quả và chống lại uy thế của cách mạng với nông dân. Bên cạnh đó, chúng nhập cảng hàng loạt các công cụ và cho tư bản ngoại quốc đầu tư nhiều nhà máy sản suất nông cụ trong nước. Âm mưu của chúng biến nông dân thành những “Tiểu trại chủ”, với máy cày tay, máy đuôi tôm…Sự giao lưu thương mại và chính sách viện trợ thương mại hóa đã làm cho một số trung nông lớp trên trở thành tư sản nông thôn. Chúng đã làm phân hóa hàng ngũ nông dân bằng thủ đoạn kinh tế thâm độc.

Chúng truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy ăn chơi sa đoạ, sống gấp, sống vội, thực dụng làm cho lớp trẻ quên đi Tổ quốc và dân tộc, vào lính ăn chơi có đô la, tàn ác lên chức quyền. Chiêu bài này chúng thực hiện khắp  nơi, nhưng nhân dân đã tận mắt nhìn thấy sự tàn ác, bắn giết người 1 cách dã man ở đồn bót An Lục Long và căn cứ Mỹ. Nhân dân đã chứng kiến bên hông của đám bình định, phượng hoàng là súng, là dối trá, lừa gạt, là bắt thanh niên vào lính.

Sau chiến dịch Mậu Thân lực lượng Huyện, xã có bị tiêu hao lớn chưa kịp củng cố, địch cấp tốc lấn chiếm và kiểm soát toàn xã đưa lực lượng xã vào thế bị động, nhân dân hàng ngày bị hăm doạ, bị kềm kẹp, bắt bớ điều tra cán bộ còn bám trụ xã. Tuy khó khăn nhưng nhân dân vẫn tìm mọi cách che dấu cán bộ xã. Đồng chí Tư Do lên thay đồng chí Ba Tây làm Bí thư. Du kích xã còn 5 tay súng, Chi bộ xã chỉ đạo chuyển đổi cách hoạt động, ban ngày ở biệt dưới hầm, hoặc trong nhà dân có hầm, ban đêm ra gặp dân củng cố lại lực lượng thanh niên, bổ sung du kích xã, du kích bí mật củng cố lòng tin trong dân.

Đầu năm 1969, đơn vị 313 về đóng ở Cầu Hàng để tập huấn. Địch phát hiện và đánh tập kích vào vuông ông Thân Hai; đồng chí Hai Thậm huyện đội trưởng và một số đồng chí khác hy sinh. Lần khác địch đánh điểm ở chợ Ông Bái trúng quân y phân khu 3 và đơn vị 313, làm cho một số đồng chí hy sinh; trong lúc đó đồng chí Tư Mới chiến đấu bắn rơi chiếc bàu nóc của địch, cứu một số đồng chí thoát hiểm. Cũng có lần, một bộ phận của tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 320 của ta đã tổ chức đánh địch giữa ban ngày ở cầu Đúc.

Lúc này cán bộ xã An Lục Long trụ được tại xã giữ vững cơ sở mặc dù địa hình bị địch phá huỷ và lực lượng của chúng kiểm soát chặt trong xã. Tuy không làm chủ tình hình, nhưng ta đã làm cho địch thấy sức mạnh của phong trào cách mạng quần chúng. Trong mọi tình huống, người cán bộ cách mạng ở An Lục Long, vẫn không rời hàng ngũ; chỗ dựa của họ chính là tấm lòng người dân.

Chiến trường An Lục Long bước vào giai đoạn ác liệt khi địch áp dụng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Lực lượng địch đông hơn trước, ngoài các đại đội địa phương quân 848, 135 còn thêm lực lượng bình định, oanh tạc tự do khu địa hình, rãi truyền đơn dụ cán bộ ra hàng. Trong khi đó, lực lượng cách mạng tổn thất nhiều, địa hình ngày càng bị thu hẹp; cũng có một số người không chịu đựng được gian khổ hy sinh đã chiêu hồi; một số khác bị địch bắt và mua chuộc. Du kích xã chỉ còn 4-5 tay súng. Chi bộ An Lục Long chịu đựng những thử thách ác liệt, các đồng chí Tám Ráy, Ba Xòm lần lượt lên thay lãnh đạo phong trào địa phương, tiếp tục bám trụ không để đứt đọan.

Trong lúc đó nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn không thể dễ dàng nuôi giấu cán bộ như trước đây. Dân thì ban ngày về ruộng cũ làm ăn, ban đêm phải trở về lộ đá để ngủ vì địch bắn pháo. Hoạt động của nhân dân bị địch khống chế. Mạng lưới chỉ điểm của chúng gieo rắc đau khổ cho nhiều gia đình có con em đang thoát ly hoạt động.

Tuy vậy, Chi bộ An Lục Long kiên quyết bám trụ, giữ vững hành lang chiến lược nối Bắc và Nam lộ 4. Công tác binh vận tranh thủ các gia định binh sĩ có con em là lính của xã, ấp có kết quả.

Cuối năm 1970, quân Mỹ bắt đầu rút từng bộ phận khỏi Long An, trong lúc đó quân chủ lực Sài Gòn cũng chuẩn bị tăng cường cho tuyến biên giới sát đất Campuchia. Ở các xã phía Nam lộ 4, chúng tăng cường lực lượng địa phương để kèm kẹp quần chúng, thành lập ồ ạt các phân chi khu cảnh sát, đưa các sĩ quan mới ra trường về lập ủy ban Phượng Hoàng đến tận các xã ấp. Hoạt động chủ yếu của địch là phát hoang cây cối, dùng cán bộ xây dựng nông thôn để cô lập lực lượng cách mạng với quần chúng. Chúng giám sát từng gia đình, bắt vẽ cờ vàng 3 sọc đỏ trên nóc nhà, buộc giáo viên công chức phải vào đảng Dân chủ. Cán bộ bình định đi sâu vào từng gia đình dùng các thủ đoạn thâm độc như ép vợ rủ chồng chiêu hồi, ép vợ con cán bộ phải lấy chúng, xây dựng mạng lưới mật báo viên…

Năm 1971, Phân Khu 23 đưa cán bộ, bộ đội về bám chiến trường cũng cố lại cơ sở. Cuối 1971, ta mở rộng địa bàn cán bộ xã đi lại tự do trong vùng địa hình. Đầu mùa khô năm 1972, nhận được chỉ thị của trên, Đảng bộ An Lục Long chuẩn bị “Chồm lên” (gọi là đợt xuống đường) để áp đảo địch. Ở huyện Châu Thành trung đội huyện phối hợp với du kích An Lục Long, đánh đồn Cầu Đôi mở màn cho giai đoạn phản công mới.

Năm 1971 lực lượng huyện đã củng cố đầy đủ  lực lượng 313, các lộ 21, lộ 8 trong có tua bót nhưng quân ta đi lại dễ dàng do công tác bảo vệ. Chỉ đạo của Tỉnh và Huyện là mở lại địa bàn chồm lên diệt ác phá kềm ở An Lục Long, đồng chí Hai Hoà dùng công tác binh vận tranh thủ được 1 số lính bót Cầu Đôi du kích xã phối hợp với đặc công Tỉnh đánh úp bót Cầu Đôi diệt 5 tên nghĩa quân, 4 tên Bình Định, toàn bộ dân vệ giao súng về gia đình. Xã mở rộng được vùng làm chủ, lính địch ở bót cầu Kinh sợ sệt và đến năm 1972 nhiều tên bỏ ngũ về với gia đình.

Sau chiến thắng Cầu Đôi, ta phục kích đánh địch nhiều trận khác, mở rộng vùng giải phóng, nối lại hành lang chiến lược giữa Bắc và Nam lộ 4.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari được ký kết. Quần chúng thấy rõ đây là chiến thắng lớn của ta trên cả mặt trận quân sự, chính trị lẫn ngoại giao, càng phấn khởi và tin tưởng sự lãnh đạo của Trung ương và nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào". Nhưng quần chúng không ảo tưởng về hòa bình một khi Mỹ cút nhưng nguỵ chưa nhào. Bằng cớ là địch vẫn giành dân lấn đất để phá hoại hiệp định, tăng cường củng cố chính quyền xã và đưa thêm vũ khí để thực hiện mưu đồ “Việt Nam hóa chiến tranh”.

7 giờ sáng ngày 28/01/1973, khi hiệp định có hiệu lực thì tên tỉnh trưởng Long An là Lê Văn Năm ngồi trực thăng chỉ huy quân bảo an lấn chiếm ấp Tân Long, ấp Thanh Phú xã Thanh Phú Long. Tiếp đó là cuộc chiến đấu trong 3 ngày đêm liền chống địch lấn chiếm, bảo vệ dân, giữ vững vùng giải phóng của huyện.

Huyện ủy Châu Thành kịp thời họp đưa ra kế hoạch đối phó với tình hình địch phá hoại hiệp định. Nhiệm vụ cần kíp là củng cố lực lượng vũ trang với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu chống địch bắn chiếm đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận chống càn quét, phát quang, chống bắt lính, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.

Ở An Lục Long, tên Chiêu (xã trưởng) huy động cảnh sát, bảo an, Phượng Hoàng đến bót Cầu Đôi, Cầu Kinh củng cố tinh thần binh lính, không được bỏ bót về nhà, nhất là Bót Chợ Ông Bái, chúng tăng cường thêm bọn thám báo. Bộ máy tề được củng cố lại. Tên Chiêu là đại diện vừa là xã trưởng ở lại bót ngã tư Cầu Vuông, bên cạnh có tên phó xã trưởng Thăng, tại xã có Cuộc cảnh sát do tên thiếu uý Sở chỉ huy và thiếu uý Kiết của phân chi khu làm phó. Địch đưa bảo an  dân vệ đóng lại bót Cầu Đôi, Cầu Kinh.

Để đối phó lại tình hình chiến tranh vẫn còn tiếp tục sau Hiệp định Paris, lực lượng cách mạng ở từng địa phương cũng được khẩn trương củng cố xây dựng. Chi bộ An Lục Long do đồng chí Ba Xòm làm Bí thư, xã đội do đồng chí Huỳnh Văn Bi phụ trách, du kích xã được xây dựng thành 1 tiểu đội mạnh và 1 tiểu đội du kích mật.

Tháng 5 năm 1973, du kích xã theo dõi Liên đoàn thám báo 336 của ngụy vào ấp Chợ Ông Bái, sau đó phục kích bắn bị thương 3 tên, gài lựu đạn chết 1 tên, bị thương 6 tên. Trong năm 1973, nhiều lần du kích xã phối hợp bao vây bót chợ Ông Bái, khiến chúng không dám đi càn. Lính các bót Cầu Đôi, Cầu Kinh tối bỏ bót đi ngủ lang vì sợ bị đánh úp.

Tháng 7 năm 1973, Trung ương Đảng họp lần thứ 21 vạch rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân giành thắng lợi bằng bạo lực.

Tháng 11 năm 1973, Tỉnh ủy Long An Hội nghị quán triệt Nghị quyết  Trung ương và đề ra biện pháp để đánh bại âm mưu kẻ thù trên đất Long An. Huyện Châu Thành củng cố và phát triển lực lượng, tổ chức trung đội đặc công, Đại đội 313 củng cố đầy đủ các bộ phận. Rút du kích xã lên Liên xã thành lập đại đội liên xã, tổng số 03 đại đội Liên xã. Xã An Lục Long đưa về huyện 1 tiểu đội để củng cố 313, đưa 1 tiểu đội đi thành lập Đại đội liên xã. Bản thân xã củng cố tiểu đội du kích vũ trang đầy đủ và tiểu đội du kích mật.

Từ năm 1973 trở đi vùng giải phóng đựơc mở rộng, hành lang nối Bắc và Nam lộ 4 thông suốt. Trong thời gian này, các xã lân cận như Thanh Phú Long, Phước Tân Hưng, Long Trì cũng mở rộng vùng căn cứ tạo thế hoạt động liên hoàn thuận lợi cho lực lượng vũ trang các xã.

Mùa khô 1974 lực lượng ta phát triển mạnh bằng nhiều hình thức như: Bắn tỉa phục kích, gài lựu đạn... nên địch lần lượt bỏ đồn Cầu Đôi, Cầu Kinh.

Tháng 6 năm 1974, Bí thư Ba Xòm hy sinh, đồng chí Hai Luận (Cán bộ huyện ủy) thay làm Bí thư lãnh đạo xã An Lục Long. Du kích xã tăng cường thêm 3 tay súng lên gần 20 người. Theo chỉ đạo của huyện ủy, xã giữ vững và tiếp tục mở rộng địa bàn. Nhiệm vụ của Long An vào đầu năm 1975 là tập trung lực lượng mở bàn đạp từ Quơn Long sang vùng Cần Đước, Cần Giuộc, sẵn sàng phối hợp với lực lượng của trên đánh vào Sài Gòn ở hướng Nam. Do đó chỉ trong vòng tháng 3-1975 hành lang này đã được thông suốt.

Năm 1974, địa bàn Long An vẫn còn là địa bàn trọng điểm bình định  của địch. Tỉnh ủy, Huyện ủy phát động củng cố lực lượng nhanh chóng, tạo đà, chuyển thế tiến lên mở nhiều trận đánh bằng nhiều hình thức, mở rộng vùng giải phóng của huyện, của xã. Trong năm 1974, những chiến thắng giòn giã trên chiến trường miền Nam chứng tỏ địch không thể đương đầu nổi với chủ lực ta, đến cuối 1974 điều kiện giải phóng miền Nam đã chín muồi. Lực lượng Huyện đã được củng cố, C313 đủ mạnh, mỗi xã có từ 2 đến 3 tiểu đội du kích, 3 đại đội liên xã đủ hoạt động tốt.

Tháng 2 năm 1975, chi bộ quyết tâm giải phóng xã, đã bức rút đồn Cầu Đôi và Cầu Kinh, nhưng đồn Chợ Ông Bái vẫn tăng cường và bám trụ, địch đưa đại đội bảo an 135 của thiếu úy Bạch đóng và chỉ huy. Sau đó được đặc công quân khu hỗ trợ, xã tổ chức đồng chí Mười De trà trộn vào đồn vẽ sơ đồ và quy luật canh gác của lính trong đồn. Ta dùng B40, B41 tấn công hủy diệt các lô cốt, xung phong diệt đồn chợ ông bái, thu 1 đại liên, 1 cối, một số tiểu liên... nhân dân sang bằng đồn địch.

 Chi bộ xã quyết tâm triệt hạ đồn chợ Ông Bái, vì đây là điểm trọng yếu. Đồn này do đại đội lính địa phương quân 135 chốt giữ. Tên trung úy Tân dựa vào đồn này để càn quét lùng sục cơ sở của ta rất dữ. Khoảng 10 ngày sau được lực lượng của huyện hổ trợ hỏa lực, du kích xã chia làm 3 tổ. Trận đánh bắt đầu từ 8 giờ sáng. Bọn địch đi càn lọt ổ phục kích chết 2 tên, bị bắt sống 2 tên ta tịch thu 2 khẩu M.79.

Xã được Huyện ủy chỉ đạo ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, thực hiện xã giải phóng xã. Đồng thời xã An Lục Long chuẩn bị hậu cần cho chủ lực miền về đứng chân để tấn công phía Nam Sài Gòn. Vùng giải phóng huyện đã liên hoàn từ An Lục Long, Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, rất thuận lợi hơn kỳ Mậu Thân. Lực lượng huyện chia làm 5 mũi nhằm bao vây và tấn công quận Bình Phước (Tầm Vu). Lực lượng xã An Lục Long có 3 tiểu đội, ta lập 1 tiểu đội ngăn chặn địch không để địch từ Mỹ Tho qua tiếp viện, lực lượng xã An Lục Long chia làm 3 mũi bao vây bót Ngã tư cầu Vuông.

Ngày 27 tháng 4 năm 1975, Huyện ủy Châu Thành ra lệnh các lực lượng huyện, xã, các mũi vào cuộc, bám sát vị trí 24/24 đồng loạt nổi dậy và bao vây các mục tiêu, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã. Ngụy quân, ngụy quyền đang hoảng loạn hấp hối.

Đêm 29/4/1975, Nhà Trắng ra lệnh bốc hết nhân viên sứ quán Mỹ rời khỏi Sài Gòn bằng cầu không vận ra hạm đội Mỹ đậu ở Thái Bình Dương. Lúc 5 giờ sáng 30/4/1975, cuộc tháo chạy của Sứ quán Mỹ chấm dứt. Lúc ấy các mũi quân ta từ 5 hướng rầm rập tiến vào Sài Gòn.

Ở huyện Châu Thành lực lượng địch nghe Mỹ rút chạy khỏi Sài Gòn, chúng cũng vội vã tìm cách tháo chạy. Lúc này theo hợp đồng tác chiến đồng loạt, các xã bao vây gọi hàng, nổ súng vào các bót xã như Eo Đéc, Phú Lộc, Cầu Vuông, Tầm Vu... Tên Quận trưởng bỏ chạy, lính Ban II, Bình Định, Thiên Nga đều bỏ súng, lột quần áo lính, mặc đồ dân trên đường tẩu thoát.

Tại An Lục Long, suốt đêm 29 và sáng ngày 30/4/1975, địch chỉ dám quanh quẩn chung quanh đồn và khu vực Ngã tư Cầu Vuông. Đến 9 giờ lính địch ở chi khu Bình Phước và các đồn chung quanh đều tan rã hoàn toàn và chỉ còn cách tìm đường tháo chạy. Ban chỉ huy xã đội An Lục Long chia làm 3 cánh tiến chiếm các vị trí, cùng với tiếng reo hò của quần chúng. Đến 12 giờ ngày 30/4, lực lượng tiếp quản đến Ngã tư Cầu Vuông, bọn tề xã trốn đi hết, chỉ còn có Tư Tòng trung đội phó nghĩa quân là người duy nhất ở lại đồn.

Nhân dân các ấp trên 500 người kéo ra bót An Lục Long và kéo ra quận lỵ (Tầm Vu)  reo mừng chiến thắng. Mọi người phấn khởi vì chiến tranh đã chấm dứt.

17 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, hơn 100 binh lính, tề xã, ấp của chế độ cũ ra hàng đã ngồi trên đám ruộng khô ngay ngã tư Cầu Vuông. Đồng chí Phan Thị Nở (Hai Luận) kể rõ tội ác Mỹ- ngụy và ôn tồn giải thích về chính sách khoan hồng của cách mạng. Trong số những người ngồi nghe chăm chú, có người đứng lên nhận lỗi, hứa sẽ chấp hành chính sách chủ trương của cách mạng. Sau đó tất cả binh lính và nhân viên chế độ cũ phải ra đăng ký trước Ủy ban quân quản và được học tập cải tạo để được tự do trở về sum họp gia đình.

Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ở An Lục Long là quá trình chiến đấu ác liệt và liên lục, có lúc phong trào bị đàn áp khủng bố trắng. Chi bộ xã vận động quần chúng thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, từ quân sự, chính trị cho đến các hoạt động văn hóa, xã hội. Riêng mặt quân sự, hình thức chiến đấu cũng phong phú, biết áp dụng triệt để chiến tranh du kích, khi thì tấn công độc lập, khi thì phối hợp với lực lượng của huyện, tỉnh, có khi lại liên kết các xã lân cận, lấy chổ yếu biến thành sức mạnh mà đối chọi với địch. Các trận Chơ Ông Bái, Cầu Đôi, Lộ Đá lần I, Lộ Đá lần 2 cho thấy tinh thần tiến công liên tục của xã. Cần nhấn mạnh An Lục Long nằm trên ranh của 3 tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công. Vùng chợ Ông Bái, Cầu Hàng, Cầu Đôi, Cầu Ván, Cầu Kinh luôn là căn cứ cách mạng, vừa là vùng của lực lượng quân sự lại là địa bàn hoạt động của huyện ủy, nên địch càn rất mạnh. Đảng ở An Lục Long đã thực sự chiếm được lòng tin yêu của nhân dân trong xã bằng chính sự hy sinh xương máu của những đảng viên ưu tú.

An Lục Long suốt 30 năm kháng chiến đã trải qua những thử thách cam go với nhiều tổn thất, hy sinh. Lớp lớp thanh niên từ thế hệ chống Pháp nối tiếp thế hệ chống Mỹ đã anh dũng chiến đấu để đem lại độc lập tự do cho đất nước, góp phần vào thắng lợi ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Lịch sử đã sang trang, từ đây An Lục Long cùng toàn huyện, toàn tỉnh, toàn miền bước vào thời kỳ mới – thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Phần thứ hai: AN LỤC LONG TRONG XÂY DỰNG, BẢO VỆ TỔ QUỐC, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN (1975 – 2006)

 I. AN LỤC LONG TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC 10 NĂM SAU GIẢI PHÓNG (1975-1985)

 1. Buổi đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình chính trị xã hội sau giải phóng (1975-1977)

Sau hai mươi mốt năm đấu tranh kiên cường bất khuất, nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một thời kỳ mới đã mở ra trên đất nước ta từ sau ngày 30/4/1975, thời kỳ hoà bình độc lập tự do, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ mới, hòa chung vào không khí vui mừng thắng lợi của cả nước, nhân dân An Lục Long cùng toàn huyện Châu Thành và toàn tỉnh, toàn miền bắt tay ngay vào nhiệm vụ ổn định tình hình, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng phát triển quê hương.

Nhiệm vụ đầu tiên là tiếp quản và tổ chức cho binh lính, nhân viên chế độ cũ ra trình diện, thực hiện hoà hợp dân tộc. Từ chiều 30/4 đến ngày 01/5/1975 và một số ngày sau đó, những lực lượng binh lính và nhân viên chế độ cũ ra trình diện chính quyền cách mạng tại An Lục Long, gồm:

-       1 ban tề xã 12 tên do Nguyễn Văn Nghi, Lê Văn Lồi, Bùi Ngọc Thăng cầm đầu ra trình diện

-       1 cuộc cảnh sát 9 tên, do thiếu uý Kiết phó cuộc cảnh sát cầm đầu ra trình diện

-       9 trưởng phó ấp 18 tên

-       2 đội phòng vệ dân sự ấp Lộ Đá 30 tên

-       2 trung đội dân vệ 60 tên, trong đó có Huỳnh Kim Khởi trưởng đồn, Tư Tòng phó đồn

-       1 đại đội bảo an 80 tên đóng bót chợ Ông Bái và đóng dã ngoại từ cống Đá đến bót An Lục Long

-       Một số lính (gần 200 tên) là chủ lực sư đoàn 25, sư đoàn 7, cảnh sát, biệt khu Thủ đô, bảo an từ các nơi khác về trình diện tại đây[8].

Cho đến đầu tháng 5/1975 đã có 399 tên ra trình diện tại xã. Với chính sách khoan hồng của cách mạng, đa số binh lính, hạ sĩ quan và nhân viên chế độ cũ đã nhận rõ tình hình và thực tâm hối cải, được học tập tại chỗ và làm bản cam kết trước chính quyền cách mạng, rồi được phục hồi quyền công dân để trở về với gia đình. Một số sĩ quan chế độ cũ thì lập hồ sơ gửi lên trên và đưa đi học tập cải tạo.

Việc tiếp quản các cơ quan, trụ sở chính quyền cũ cũng được thực hiện ngay trong ngày 30/4/1975, cán bộ và nhân dân An Lục Long làm chủ địa phương và bắt tay vào xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng từ xã đến ấp, gồm những cán bộ đảng viên, thanh niên tích cực nhiệt tình với công việc chính quyền đoàn thể, các tổ chức chính trị được hình thành và đi vào hoạt động.

Tình hình An Lục Long sau giải phóng có nhiều khó khăn phức tạp cả về đời sống kinh tế lẫn đời sống văn hoá xã hội. Xã có diện tích canh tác khoảng 850 ha phần lớn là 1 vụ lúa trong năm, năng suất không cao, chăn nuôi, trồng trọt rất hạn chế, hộ gia đình đói, nghèo là trên 50%, đường xá đi lại khó khăn lầy lội, kinh mương dẫn nước chỉ có một vài đường chính; đất đai hoang hóa, cây tạp có trên 300 ha, nhiều bom mìn, phèn mặn do chiến tranh để lại; nhiều hộ gia đình lánh né chiến tranh, sau giải phóng trở về quê hương không nhà, không đất sản xuất; trường lớp không đáp ứng con em học hành, bệnh đau thiếu thuốc chữa trị, hàng chục gia đình mất chồng mất con không được tin tức, hàng trăm gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng chưa có chế độ ưu đãi; âm mưu phá hoại của kẻ thù vẫn còn và tìm cách chống phá cách mạng; cán bộ chính quyền cách mạng vừa thiếu vừa chưa có kinh nghiệm quản lý tổ chức…

Nhiệm vụ mới đặt ra cho chi bộ và chính quyền cách mạng địa phương lúc này là nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định lại sản xuất, giải quyết vấn đề lương thực cho nhân dân, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng, truy quét tàn dư của chế độ cũ, cảnh giác đối phó với những âm mưu của các thế lực thù địch.

Cuối tháng 5/1975, tỉnh, huyện chỉ đạo cho xã vận động nhân dân trở về ngôi cũ để khai hoang phục hoá đất đai. Phục vụ cho công tác này, An Lục Long được huyện đội hỗ trợ đưa 1 trung đội đặc công do đồng chí Mót chỉ huy về tháo gỡ bom mìn ở địa phương. Trung đội này cùng với du kích và nhân dân tháo gỡ bom mìn, lựu đạn gài, hầm chông, ở các căn cứ của cách mạng như ấp Cầu Ván, Song Tân, Cầu Đôi, biền thùng, Cầu Hàng, chợ Ông Bái, vùng ven sông Quán Can, từ ranh xã Thanh Phú Long đến xã Đăng Hưng Phước huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt dỡ quang khu biền thùng 10 ha và phục hoá ruộng vườn ở 6 ấp được 400 ha giao cho dân về ngôi cũ cất nhà, sản xuất lúa, màu, trồng cây trái…

Về văn hoá giáo dục, ngày 10/8/1975 chính quyền cách mạng xã An lục Long mời các thầy cô giáo về trụ sở xã họp quán triệt học tập chính trị và xây dựng kế hoạch khai giảng năm học mới. Kế hoạch đề ra thì tháng 9/1975 triển khai thực hiện ngay. Trường lớp bắt đầu đón trẻ em đi học. Ban ngày thì dạy trẻ nhỏ, ban đêm thì dạy bình dân học vụ cho người lớn để xoá mù. Chưa có điện thì đốt đèn dầu để dạy và học. Nhờ đó mà đến ngày 15/10/1976 toàn xã đã cơ bản xoá mù chữ, được Phòng giáo dục huyện công nhận về thành tích bình dân học vụ.

Ngoài ra, xã cũng tập trung vào nhiệm trước mắt là xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ từ xã đến ấp đủ về số lượng, từng bước sắp xếp công tác hành chính với dân; lúc đầu bà Phan Thị Nở (Hai Luận) làm Bí thư Chi bộ; đến tháng 6/1975 ông Huỳnh Văn Tủy làm Bí thư Chi bộ.

Chi bộ và chính quyền xã cũng nhanh chóng nắm tình hình các hộ dân trong xã, phân loại hộ giàu, hộ nghèo, hộ đói, hộ không có ruộng đất để thực hiện vận động nhường cơm, xẻ áo, cứu trợ… Nhờ đó tình hình trong xã ấp dần dần đi vào ổn định, mọi người sống hoà hợp, tình làng nghĩa xóm hình thành, người dân càng tin tưởng vào cách mạng và hăng hái tham gia các hoạt động xây dựng xã hội mới.

Xã vận động nhân dân hiến đất góp công sức lao động xây dựng những công trình phúc lợi công cộng như: đào kênh, đặt cống, bắc cầu dẫn nước tưới tiêu, đắp đê ngăn mặn, dẫn ngọt, phục vụ sản xuất, mở rộng, nâng cấp lộ, đường, cầu, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho giao thông đi lại từ xã đến các ấp.

Thực trạng trong xã là dân trí trong chiến tranh rất thấp, gặp phải đói nghèo, thất học, người lớn mù chữ, trẻ em không được đến trường lớp khá đông. Toàn xã trước giải phóng chỉ có 2 điểm trường tiểu học. Trước tình hình trên Chi bộ Đảng, chính quyền và nhân dân cùng nhau ra sức khắc phục. Bước đầu xây dựng mỗi ấp có trường học từ 1 đến 3 lớp bằng cây, lá tạm thời để phục vụ con em từ mẫu giáo đến lớp 4 có điều kiện đi lại học hành. Phối hợp với giáo viên và người có trí thức tổ chức các lớp bình dân học vụ, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho lứa tuổi thanh thiếu niên và người lớn tuổi; Phong trào này được đông đảo người dân ở địa phương cơ sở tham gia góp phần việc nâng cao dân trí, công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục thành công.

 Do hậu quả chiến tranh, nhân dân mắc phải bệnh tật, thiếu bác sĩ, thiếu thuốc, nhiều hộ gia đình cần đến thầy lang, dùng bùa phép để trị bệnh. Trước tình hình ấy nhiệm vụ của chi bộ Đảng, chính quyền và các đoàn thể là ra sức vận động toàn dân tham gia xây dựng mạng lưới y tế cộng đồng. Xã có trạm y tế xã; mỗi ấp có bộ phận y tế ấp, để giúp dân khi có bệnh tật, đau yếu. Đội ngũ y tế phối hợp cùng với cán bộ xã ấp và y tế cấp trên làm nhiệm vụ tuyên truyền phòng ngừa bệnh tật xảy ra, ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường… Xóa tệ mê tín dị đoan, đau bệnh điều trị kịp thời, đúng thuốc. Phong trào này từng bước giúp cho nhân dân có được nhận thức mới, góp phần vào việc xây dựng ý thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho nhân dân ở địa phương ngày một tốt hơn.

Thực hiện chủ trương của trên, Chi bộ và chính quyền xã tiếp tục tổ chức điều tra nắm đối tượng ngụy quân, ngụy quyền tại địa phương, phân loại để có kế hoạch học tập, giáo dục họ trở thành công dân tốt, kể cả những thanh thiếu niên có những hành động việc làm sai trái đối với dân, gây tác hại ảnh hưởng đến phong trào cách mạng. Hàng năm cũng như từng lúc xã mời hoặc gọi các đối tượng có hành vi sai trái để trao đổi nhắc nhở động viên họ thực hiện tốt nghĩa vụ người công dân. Qua đó, xã cũng đẩy mạnh phong trào an ninh chính trị trật tự xã hội ở địa phương cơ sở được ổn định dần.

Mặt khác chính quyền xã cũng luôn có biện pháp nắm hộ gia đình liệt sĩ thương binh, gia đình có công với cách mạng, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về chế độ ưu đãi đối với các đối tượng chính sách. Bộ phận chuyên trách của xã tổ chức đăng ký, kê khai, xét đề nghị cấp trên công nhận cha mẹ, gia đình liệt sĩ, thương binh, cũng như gia đình có công với cách mạng. Qua đó chọn lọc gia đình chính sách nghèo khó để có được những chế độ ưu đãi, như cấp đất sản xuất, tương trợ giúp đỡ về kinh tế, đời sống. Cũng từ đó đa số hộ gia đình chính sách an tâm tiếp tục tham gia hoạt động và cống hiến sức người, sức của cho địa phương.

Trong xây dựng tổ chức hệ thống chính trị, Chi bộ và các đoàn thể chú trọng chọn con em thuộc gia đình cách mạng, gia đình gương mẫu tiêu biểu. Trong điều kiện bước đầu sau tiếp quản, chọn những người có ý thức, giác ngộ cách mạng tuy lớn tuổi hoặc trình độ văn hóa thấp, nhưng chững chạc và có uy tín đối với dân, hoặc thanh niên xốc vác, nhiệt tình cách mạng vào các tổ chức ở xã, ở ấp tùy theo khả năng và nhiệm vụ được phân công bố trí làm công tác cách mạng. Quá trình công tác được chọn lọc thay đổi, củng cố bổ sung, đào tạo vừa học vừa làm, từ đó đội ngũ cán bộ xã, ấp ngày được nâng cao, đáp ứng với nhu cầu của cách mạng và nhân dân nói chung.

 2. Từng bước cải tạo và tổ chức lại nền kinh tế nông nghiệp, xây dựng đời sống xã hội mới (1977-1985)

Những năm 1977–1978, Chi bộ Đảng và Uỷ ban nhân dân xã tổ chức triển khai, học tập cho cán bộ và nhân dân thông hiểu về những chủ trương của cấp trên về chính sách ruộng đất của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở đó, xã có kế hoạch tổ chức, vận động hộ có thừa đất, nhượng đất cấp cho hộ nông dân không đất, thiếu đất sản xuất, từng bước hình thành “Đội đòan kết sản xuất”. Đến năm 1979-1980 An Lục Long đã hình thành Tập đòan sản xuất và thành lập Hợp tác xã nông nghiệp.

Nhìn chung đa số nhân dân đều đồng tình hưởng ứng vào tổ chức tập đoàn, hợp tác xã. Cũng trên cơ sở đó, các tổ chức tập đoàn có quy hoạch hướng tăng cường thâm canh tăng vụ nên sản lượng năng suất lúa màu hàng năm đều tăng. Các tập đoàn, hợp tác xã cho đào hoặc nạo vét hàng chục kinh mương phục vụ tưới tiêu trong sản xuất. Đặc biệt là đào kinh 30/4, ngăn mặn vùng biền thùng cầu đôi, dẫn nước ngọt từ sông Tiền về phục vụ sản xuất tưới tiêu vào mùa khô trong toàn xã.

Đầu năm 1979, Chi bộ xã An Lục Long đã tiến hành đại hội Chi bộ. Đại hội đã bầu đồng chí Huỳnh Văn Tủy tiếp tục làm Bí thư Chi bộ xã An Lục Long. Đầu năm 1983 do yêu cầu công tác đồng chí Huỳnh Văn Tủy được điều động về Huyện, đồng chí Trương Đình Phi làm quyền bí thư chi bộ kiêm Chủ Tịch UBND xã. Đến giai đoạn 1983-1984, Chi uỷ xã An lục Long gồm 5 đồng chí do đồng chí Điều Văn Tần làm Bí thư, đồng chí Trương Đình Phi làm Phó Bí thư.

Qua các kỳ Đại hội, Chi bộ Đảng xã An Lục Long đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong những năm đầu sau giải phóng, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân, từng bước cải tạo xã hội cũ, xây dựng cuộc sống mới, làm dấy lên nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất góp phần quan trọng trong khắc phục hậu quả chiến tranh nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên những khó khăn trước mắt về kinh tế xã hội còn nhiều, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vươn lên nhiều hơn nữa của toàn Chi bộ và nhân dân. Trong những năm 1979-1981, Chi bộ và toàn dân trong xã tập trung thực hiện những nhiệm vụ cơ bản là:

 - Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng lương thực, xây dựng tổ chức lại sản xuất và tập đoàn sản xuất. Đẩy mạnh xây dựng Hợp tác hóa nông nghiệp và phát triển con đường làm ăn tập thể cho bà con nông dân, đẩy mạnh khai hoang mở rộng diện tích đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân, khai thác đến mức cao nhất mọi tiềm năng đất đai và lao động trong xã.

-  Tích cực phát triển đời sống văn hóa xã hội trên các mặt giáo dục, y tế, thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân đưa con em đến trường, nâng cao dân trí, làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước.

Tiếp đó trong những năm 1981-1983, An Lục Long vừa thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất theo con đường làm ăn tập thể, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, vừa ra sức thực hiện tốt nhiệm vụ phân phối lưu thông nhằm ổn định phát triển kinh tế từng bước giảm bớt khó khăn về kinh tế của nhân dân.

Trong những năm 1984-1985, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và huyện ủy, An Lục Long tập trung đẩy nhanh phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, đồng thời củng cố và xây dựng mô hình hợp tác xã mua bán và Hợp tác xã tín dụng. Quán triệt sự chỉ đạo của Tỉnh ủy cùng lúc đẩy mạnh phong trào xây dựng 3 mô hình Hợp tác xã để từng bước đẩy nhanh phát triển kinh tế, Chi bộ An Lục Long tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, triển khai những biện pháp phát triển sản xuất nông nghiệp,  văn hóa xã hội của địa phương, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Kết quả của những cố gắng ấy là xã mỗi năm có thêm một số diện tích đưa vào sản xuất. Xã đã nhanh chóng xây dựng đê bao, cầu, cống, giao thông phục vụ tốt cho sản xuất đồng thời phát động nhân dân cải tạo vườn tạp, thâm canh tăng vụ, khai hoang mở rộng diện tích canh tác. Từng bước giải quyết ổn thoả việc cấp đất cho nhân dân, xã đã cứu trợ hộ đói khắc phục dần tình trạng đói nghèo…

Hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò người tổ chức sản xuất tập thể, chăm lo sản xuất cho nhân dân địa phương như theo dõi sâu rầy, lấy phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu đáp ứng kịp thời cho nhân dân. An Lục Long đã nhanh chóng xây dựng được 3 mô hình hợp tác xã là Hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xã mua bán và Hợp tác xã tín dụng.

Đến năm 1985 đã có trên 95% số hộ nông dân trong xã vào tập đòan sản xuất với trên 90% diện tích đất canh tác. Trong quá trình canh tác một phần áp dụng kinh nghiệm và phần lớn nhờ sự đầu tư về giống, phân bón, thuốc trừ sâu nên năng suất, sản lượng đều tăng đáng kể, đời sống nhân dân nâng lên một bước, tình trạng đói nghèo giảm. Bên cạnh đó thì xã từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng với việc trồng các loại cây ăn trái. Hợp tác xã mua bán gắn với Tập đoàn sản xuất trong việc hoạt động kinh doanh, thu mua nông sản như heo, lúa …

Cùng với tập đoàn sản xuất hợp tác xã mua bán đã tổ chức một quầy hàng và các đại lý gắn với sản xuất phục vụ cho đời sống nhân dân. Nhờ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy mà trực tiếp là huyện ủy Vàm Cỏ và dựa vào điều kiện thực tế của địa phương xã An Lục Long đã có kết quả quan trọng trong việc tổ chức sản xuất theo con đường làm ăn tập thể. Tuy còn nhiều hạn chế song đã đưa đời sống  nhân  dân từng bước cải thiện.

Mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp xay xát, xẻ gỗ, đan dệt, cải tạo vườn tạp cây trâm bầu, tre … các loại cây không có hiệu quả kinh tế,  trồng cây ăn trái, trồng màu nhằm nâng cao mức thu nhập của kinh tế hộ gia đình, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước.

Từ chủ trương làm ăn theo hướng tập đoàn, tập thể, nhân dân đồng tình việc nhượng đất, chia đất hợp tình, hợp lý, do đó việc quy hoạch phát triển sản xuất tạo hướng lâu dài về những mục đích yêu cầu chung cho xã hội có nhiều thuận lợi.

Tất cả các công trình phúc lợi công cộng ở địa phương đều được sự đồng tình của dân. Cụ thể là dân tự nguyện giao đất hiến hàng chục ha đất để xây dựng trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, làm kênh, cống, cầu, đường giao thông, điện, nước nông thôn… đồng thời dân cũng đóng góp hàng ngàn ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.

Trên cơ sở con đường làm ăn tập thể với đời sống của nhân dân trong các tập đoàn và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, xã có kế hoạch cụ thể về phát triển đời sống văn hoá. Chi bộ và Uỷ ban nhân dân xã bàn bạc cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị có kế hoạch nâng cấp trường học, xóa dần trường lớp tre lá thay bằng bán kiên cố hoặc xây dựng kiên cố đảm bảo cho con em đến tuổi được đến lớp học hành; nâng cấp làm mới đường xá, đổ sỏi đỏ, bắc cầu, cống phục vụ giao thông đi lại được thuận tiện hơn; vận động nhân dân đóng góp tiền của công sức kéo điện thắp sáng sinh hoạt gia đình, phục vụ sản xuất; khoan giếng nước ngầm, xây dựng hố xí tiêu tiểu, sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, xây dựng phong trào ăn ở hợp vệ sinh; lắp đặt đài truyền thanh phục vụ nhân dân nghe đài…

Phong trào rèn luyện sức khoẻ được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhất là thanh niên và trung niên. Xã tạo điều kiện sân bãi, tổ chức vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Phần lớn các đối tượng gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng được chăm lo trong từng lúc, theo khả năng, các chế độ đãi ngộ được giải quyết kịp thời.

Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân ngày một chuyển biến ở nông thôn, nên an ninh chính trị trật tự xã hội cũng được ổn định. Nổi cộm trong những năm sau giải phóng là vụ dẹp bạo loạn của nhóm phản động ở Quơn Long, Chợ Gạo, Tiền Giang chạy trốn sang địa phận xã huyện Châu Thành.

Chiều ngày 5/11/1977, bọn phản động lợi dụng sơ hở của chính quyền cách mạng đã đột nhập vào trụ sở xã Quơn Long, lấy tiền và cướp súng, đốt trụ sở xã, rồi chạy sang ấp Chợ Ông Bái vùng giáp ranh xã An lục Long. Được tin cấp báo, đồng chí Võ Tấn Đạt huyện đội trưởng Châu Thành cho điều đại đội 313 (do đồng chí Hai Trưng làm đại đội trưởng) cùng 1 trung đội du kích An Lục Long phối hợp bám sát địch và bao vây chúng. Sáng hôm sau, huyện đội cho C.313 và huy động lực lượng du kích các xã An Lục Long, Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông phối hợp tác chiến diệt gọn bọn phản động, bắt sống 80 tên (trong đó có 3 tên vốn là trung sĩ biệt động quân chế độ cũ), thu 40 súng và một số trang bị khác.

Ngoài ra nhân dân An Lục Long còn tham gia xây dựng tuyến đường biên giới và tham gia các đoàn khai hoang Đồng Tháp Mười. Lực lượng thanh niên trong xã được huy động hàng trăm lượt người lên các công trường đắp lộ 62 từ Long An đi Mộc Hoá. Những năm từ 1978-1985, mỗi năm An Lục Long cử khoảng 200 dân công đi đắp hệ thống phòng thủ biên giới ở các khu vực Kinh 61, Giếng Sắt, Gò Mây Rắc, đập Đại uý, Vàm Đồn, Long Khốt... Các đoàn thể, tổ chức trong xã như Phụ nữ, Thanh niên, Hội Nông dân, Y tế, Công an đã phối hợp chặt chẽ trong việc huy động nhân công, thành lập Ban chỉ huy công trường để tổ chức lao động, thực hiện tốt các nhiệm vụ và mục tiêu được phân công.

Qua 10 năm nỗ lực của toàn Chi bộ và nhân dân xã An Lục Long cùng nhau khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng quê hương, đã có những bước thay đổi. Sản xuất nông nghiệp đã đi vào nề nếp, các cơ cở hạ tầng dần dần được khắc phục nổi bật lên đó là việc hình thành tập đoàn sản xuất. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng đây là cả một sự cố gắng lớn của toàn nhân dân trong xã. Những kết quả đạt được sẽ đặt nền móng cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm tiếp theo.

II. AN LỤC LONG THỰC HIỆN ĐỔI MỚI (1986-1996)

 1. Buổi đầu thực hiện đổi mới (1986-1990)

Đường lối đổi mới của Đảng được đề ra trong Đại hội Đảng lần thứ VI với nhiệm vụ đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế – xã hội: Quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ tỉnh Long An đã triển khai đường lối đổi mới của Đảng, đề ra mục tiêu và nhiệm vụ cho toàn tỉnh.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và những nghị quyết của tỉnh uỷ, huyện uỷ, ngày 26 tháng 8 năm 1986 Đại hội Chi bộ xã An Lục Long được tiến hành. Chi bộ bầu đồng chí Điều Văn Tần làm bí thư Chi bộ và đồng chí Phan Tấn Sớm làm phó Bí thư.

Chi bộ xã đã thể hiện rõ quyết tâm cao trong thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên về đường lối đổi mới của Đảng. Trong 10 năm khắc phục hậu quả chiến tranh phát triển sản xuất theo con đường làm ăn tập thể tuy đạt được một số kết quả song chưa phát huy được năng lực của nông dân, hiệu quả sản xuất không cao, lượng lương thực chưa đáp ứng đủ nhu cầu tại chỗ cho nhân dân, các nhu yếu phẩm được nhà nước phân phát luôn bị mất cân đối, đời sống giữa các tầng lớp nhân dân đa số là nông dân còn khó khăn.

Chi bộ xác định nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ đầu thực hiện đường lối đổi mới (1986-1988) với cốt lõi là xóa bỏ cơ chế bao cấp, giải thể tập đoàn. Vào năm 1986, xã An Lục Long cùng các xã trong huyện có chủ trương, kế hoạch đi vào tổ chức lại sản xuất theo hộ cá thể gia đình. Việc hoàn trả lại những hộ nhượng đất trước đây để phân chia cho hộ không đất sản xuất. Có xem xét hộ nhiều đất vận động hiến nhượng đất để cấp cho số hộ không đất sản xuất. Chủ trương việc làm này được sự đồng tình của dân, tuy bước đầu có khó khăn nhiều hộ đòi lại số đất khi vào tập đoàn chia cắt đất. Nhưng với sự kiên trì vận động thuyết phục cộng với tinh thần nhường cơm xẻ áo người có cơ ngơi khấm khá chia sẻ phần nào cho người khốn khổ, cũng từ đó việc phân chia đất đai sản xuất dần dần được ổn định, hộ nhân dân đa số đều có đất sản xuất.

Xây dựng đời sống văn hóa xã hội mới với việc nâng cao dân trí, nhận thức của nhân dân về con đường đổi mới của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân, tham gia tích cực vào các phong trào xây dựng kinh tế văn hóa xã hội để đưa xã thoát khỏi tình trạng khó khăn. Chi bộ chỉ rõ điều cần thiết phải nêu cao năng lực lãnh đạo của Chi bộ Đảng và sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể của xã. 

Ngày 10 tháng 8 năm 1988, Chi bộ xã An Lục Long Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ (1988-1990). Đại hội bầu đồng chí Lê Văn Trung làm Bí thư Chi bộ, sau đó tháng 1 năm 1990 thay đồng chí Phan Tấn Sớm làm Bí thư Chi bộ.

Theo đánh giá những kết quả đạt được của Nghị quyết Đại hội lần thứ VI cho thấy tư tưởng, nhận thức cơ bản của Chi bộ về công cuộc đổi mới đã bước đầu được quán triệt và thấm nhuần trong đội ngũ cán bộ Đảng viên, toàn thể đảng viên đã nhận thức rõ thêm về quy luật phát triển kinh tế trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ ở nước ta. Tình hình sản xuất nông nghiệp  để tạo ra lương thực thực phẩm ở địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư vốn, phương tiện kỹ thuật, nhất là trong điều kiện khó khăn về vật tư. Cơ cấu đầu tư trong phát triển kinh tế xã là nông – công nghiệp, quy hoạch lại sản xuất từng vùng, thâm canh vùng sản xuất lúa, dừa. Xây dựng và tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu kinh tế của xã bước đầu có chuyển biến khá.

Chi bộ tiếp tục đưa ra nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới đó là đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất nông công nghiệp cả trồng trọt, chăn nuôi. Đẩy mạnh tổ chức và thực hiện 3 chương trình kinh tế trọng điểm là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Đầu tư xây dựng cơ bản. Chú trọng xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa xây dựng con người mới theo định hướng của Đảng. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, củng cố, ổn định trật tự an ninh xã hội. Chi bộ luôn xác định phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quát triệt nghị quyết của Chi bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội mà Chi bộ đưa ra. 

Những nhiệm vụ cụ thể của địa phương trong thời kỳ đổi mới được đề ra một cách thiết thực và thực hiện có hiệu quả. Chi bộ Đảng đã biết phát huy sự chỉ đạo và hỗ trợ của cấp trên vận dụng tốt vào điều kiện cụ thể của địa phương.

Hệ thống chính trị trong xã từng bước được nâng cao về năng lực hoạt động, quản lý xã hội và vận động quần chúng. Chi bộ Đảng đã tìm mọi cách phát huy tiềm năng đất đai và sức lao động của xã, vận dụng các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế của cơ sở.

Trong đời sống sản xuất nông nghiệp, xã chú trọng đưa ra những biện pháp khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp còn nhiều phụ thuộc vào thiên nhiên, chăn nuôi chưa phấn đấu trở thành ngành sản xuất chính do tình hình giá cả biến động. Việc quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp cho từng vùng cũng được chú trọng nhằm xây dựng vùng thâm canh lúa, vùng sản xuất lúa, màu, dừa, tôm. Nhờ những cố gắng đó, trong sản xuất nông nghiệp đã thu được những kết quả quan trọng: diện tích thu hoạch lúa năm 1986-1987 là 1274 ha, năng xuất 3,2 tấn/ ha, sản lượng 4076 tấn.

Bước vào năm 1987-1988 do thiên tai nắng hạn kéo dài nên diện tích gieo cấy, năng suất sản lượng giảm đáng kể. Trong chăn nuôi cũng gặp khó khăn do thiếu lương thực nên đàn gà vịt, bò, heo giảm sút. Toàn xã có 22.000 con vịt, heo 2430 con, bò 220 con giảm 30% so với kế hoạch đề ra.

Tuy vậy, An Lục Long vẫn cố gắng đầu tư vốn, phương tiện kỹ thuật, trong điều kiện vật tư huyện cung cấp không đủ, thì xã liên doanh với công ty giống cây trồng tỉnh hoặc liên hệ với các nơi mua bán trao đổi đưa nguồn vật tư về địa phương đảm bảo được khâu phân, thuốc trừ sâu để khắc phục hậu quả thiên tai, sử dụng lao động tại chỗ để đào đắp ngăn mặn, đồng thời sử dụng các loại giống lúa, màu ngắn ngày có năng suất cao bù đắp lại phần thiếu hụt.

Về phát triển tiểu thủ công nghiệp, xã tạo điều kiện xây dựng 2 nhà máy xay xát lúa gạo của tư nhân và một nhà máy tập thể hoạt động phục vụ nhân dân trong vùng. Ngoài ra tổ may mặc- sửa chữa dụng cụ thô sơ có hình thành trong chiều hướng phát triển đi lên.

Mặc dù vậy, cho đến năm 1990 nhìn chung là tình hình thực hiện 3 chương trình kinh tế của xã vẫn còn nhiều khó khăn, bởi xã chưa có quy hoạch và kế hoạch cụ thể, nhất là cho việc trồng tỉa, chăn nuôi. Biện pháp tổ chức thực hiện, giá cả chính sách đầu tư chưa hợp lý nên hạn chế đối với việc sản xuất, khâu quản lý, phân phối sản phẩm nông sản chưa tốt.

 2. Từng bước đột phá xây dựng mô hình nông thôn mới (1991-1996)

Ngày 16 tháng 9 năm 1991, Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 1991-1993 đã được tiến hành. Đồng chí Phan Tấn Sớm được bầu làm bí thư Chi bộ.

Chi bộ đã xác định nhiệm vụ trong những năm 1991-1993 của An Lục Long là tăng cường thâm canh tăng vụ, đẩy nhanh phát triển của các vùng nông nghiệp; làm chuyển biến cơ cấu kinh tế; xây dựng đời sống văn hóa với việc phát triển giáo dục, y tế….

Trong những năm này, Chi bộ An Lục Long cũng tập trung lãnh đạo thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, tạo điều kiện để nhân dân vay vốn sản xuất, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, giải  quyết việc làm.

Thành tựu nổi bật của An Lục Long trong những năm 1991-1993 là xã hoàn thành xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, phúc lợi xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã từng bước được cải thiện và nâng cao; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố. Chi bộ An Lục Long trở thành Chi bộ trong sạch vững mạnh.

Ngày 12 tháng 01 năm 1994, Chi bộ xã An Lục Long tiến hành Đại hội nhiệm kỳ mới. Cũng tại Đại hội này Chi bộ An Lục Long đã phát triển thành Đảng bộ xã. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, chứng minh sự lớn mạnh về tổ chức và lực lượng đảng viên, đủ sức tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết của xã đề ra. Đại hội đã bầu 9 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ, đồng chí Phan Tấn Sớm tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng uỷ.

Trên cơ sở đánh giá những thành tựu và tồn tại trong những năm đầu thập niên 90, Chi bộ An Lục Long đã đưa ra nhiệm vụ cho những năm 1994-1995 là: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa nông sản phẩm gắn với nhu cầu của thị trường. Xây dựng văn hóa xã hội theo hướng đổi mới toàn diện ở các mặt giáo dục, y tế, thể dục thể thao, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Những năm 1994-1995, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cán bộ đảng viên và toàn thể nhân dân xã An Lục Long đã quán triệt chủ trương của Đảng, tỉnh và huyện, luôn xác định nông nghiệp là chủ yếu, mở rộng diện tích, đã có sự nỗ lực khai thác tiềm năng đất đai, lao động, mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa nông sản phẩm gắn với nhu cầu của thị trường, chọn cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế, phát triển nông nghiệp, phá dần thế độc canh cây lúa. Đồng thời tập trung xây dựng nâng cấp các công trình thủy lợi tạo tiền đề phát triển những năm tiếp theo.

Do điều kiện nắng hạn kéo dài nên một số diện tích thiệt hại xã đã điều chỉnh bằng cách tăng vụ, tập trung sản xuất đầy đủ 1.238 ha ở mỗi năm.

Kết quả đến năm 1995 năng suất lúa trong xã đạt 3,6 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 11.570 tấn, bình quân lương thực 1000 kg lúa/đầu người, tăng hơn so với năm trước 100 kg. Hệ thống kênh mương nội đồng hàng năm được nạo vét, gia cố, xây dựng với nguồn vốn hàng chục triệu đồng. Đi đôi với công tác thủy lợi, xã kết hợp với công tác khuyến nông phổ biến khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho nhân dân. Kết hợp với huyện, mỗi năm tổ chức 5-10 cuộc phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp, với 190 người dự, 2 lớp phòng trừ sâu bệnh với gần 60 người dự.

Đặc biệt thời gian này xã phát động nhân dân cải tạo vườn tạp để trồng cây thanh long, dưa. Các diện tích đất biền, gò hoang đã được khai thác sử dụng triệt để. Cây thanh long nhanh chóng phát triển và trở thành cây xoá đói giảm nghèo cho xã, hơn nữa phát triển cây thanh long còn giải quyết được lực lượng lao động nông nhàn trong xã, ấp. Đã có cả thanh long trong mùa và thanh long trái mùa. Đã có nơi đạt năng suất cao và hiệu quả lớn khi trồng thanh long (1 ha có thể thu hoạch 100 triệu đồng).

Mô hình phát triển kinh tế VAC cũng được nhân dân áp dụng rộng rãi. Tổng số gốc dừa trồng mới trên đất khai hoang phục hóa là 15.057 gốc, mãng cầu ghép bình bát 3950 gốc, tổng số diện tích dừa nước 5,7 ha, cây thanh long 110.000 gốc... Tình hình chăn nuôi tăng đáng kể trung bình 50 con vịt/hộ, 20 con gà/hộ, đặc biệt gà công nghiệp và bán công nghiệp chiếm 25% so với tổng số gà trong toàn xã. Thủy sản được nhân dân nuôi theo quy mô gia đình, có triển vọng phát triển lâu dài góp phần cải thiện bữa ăn gia đình và tham gia thị trường.

Tiểu thủ công nghiệp đã dần dần phát triển thêm và hoạt động ổn định, chủ yếu tập trung lao động cho các cơ sở may mặc, làm hạt điều và phục hồi lại nghề dệt chiếu cho các cơ sở ở tỉnh Tiền Giang, đã giải quyết được phần lớn số lao động dư thừa và nhàn dỗi.

Nhìn chung trong những năm 1994-1995, do sản xuất phát triển thu nhập kinh tế tăng nên đời sống vật chất của nhân dân được nâng lên, nổi bật là kinh tế hộ gia đình phát triển kết hợp giữa phát triển lương thực và kinh tế vườn chăn nuôi, từng gia đình đã tận dụng mọi khả năng về đất đai và nhân lực, chủ yếu từ nguồn vốn tự có lấy ngắn nuôi dài để vượt qua nghèo khó. Đa số các hộ nông dân trong xã đời sống được cải thiện rõ rệt, không còn hộ đói, giảm 44,4% hộ nghèo.

Bên cạnh thúc đẩy kinh tế, Đảng bộ xã có nhiều nỗ lực phát triển văn hóa xã hội, xây dựng nông thôn mới. Hoạt động văn hóa thông tin được quản lý chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra ngăn ngừa các hoạt động văn hóa phản động đồi trụy, những dịch vụ phim ảnh hoạt động trái phép, mê tín dị đoan, kịp thời phát hiện xử lý ngăn chặn những trường hợp vi phạm, hạn chế thấp nhất hiện tượng xấu xảy ra.

Các đoàn thể đã giáo dục nhân dân tình đoàn kết thôn xóm, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình từng bước nâng cao đời sống cộng đồng, theo đó tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật nhà nước, vận động quần chúng giữ gìn thuần phong mỹ tục, những tập quán lễ hội tốt (như giỗ hội liệt sĩ ở cầu Ván) nhằm giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ.

Xã tiếp tục tập trung xây dựng mô hình cụm truyền thanh nâng tổng số lên 6 cụm phân bổ đều khắp trong địa bàn toàn xã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương đến nhân dân.

Phong trào văn nghệ quần chúng khôi phục trở lại, các hoạt động văn nghệ nhân các ngày lễ lớn do huyện tổ chức xã đều tham gia đầy đủ. Cùng với phong trào văn nghệ, phong trào thể dục thể thao cũng dân dần được khôi phục. Đội bóng đá của xã được củng cố và tham gia các giải truyền thống của huyện, các ấp trong xã cũng tham gia phong trào thể thao sôi nổi.

Phát huy truyền thống chăm lo sự nghiệp giáo dục của toàn Đảng, Đảng bộ xã chỉ đạo hàng năm xây dựng, củng cố, sữa chữa hàng chục phòng học ở các điểm trường nhất là ấp chợ Ông Bái, cầu Kinh đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Đại bộ phận cán bộ, giáo viên đã an tâm bám trường, bám lớp, tinh thần trách nhiệm đã được nâng cao rõ rệt. Kết quả học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh tiến bộ ở các năm học.

Năm học 1993-1994 tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học đạt 92,2%, tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 85%, đứng đầu trong toàn huyện. Năm học 1995-1996 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có giảm 2% do thực hiện cải cách giáo dục, nhưng hạnh kiểm học sinh có tốt hơn so với các năm trước đây. Thành công lớn về giáo dục là công tác phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ được tỉnh, huyện công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đại hội giáo dục xã được tiến hành thường xuyên, Hội đồng giáo dục kết hợp các ngành đoàn thể, hội cha mẹ học sinh đôn đốc tạo điều kiện từng bước thực hiện xã hội hóa công tác giáo dục. Tuy nhiên công tác giáo dục còn một số hạn chế như vẫn còn học sinh bỏ học nhất là ở các gia đình khó khăn, cơ sở vật chất trường học còn nhiều thiếu thốn nên chưa nâng cao chất lượng dạy và học.

Công tác y tế ngày càng được quan tâm đúng mức. Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện điều trị còn phải đào tạo tổ chức đội ngũ cán bộ nhân viên phục vụ việc khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Được sự quan tâm, giúp đỡ của huyện, tỉnh nên trong công tác phòng, chống và điều trị bệnh cho nhân dân được thực hiện tốt. Các chương trình y tế quốc gia đạt kết quả cao nhất là năm 1994 (các chỉ tiêu đầu đạt trên 90%) đồng thời đã tăng cường chương trình giáo dục ý thức về vệ sinh phòng dịch trong các trường học và ngoài nhân dân.

Đối với công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng mạng lưới cộng tác viên, đến năm 1995 đội ngũ công tác viên dân số xã An Lục Long đã được xây dựng với chất lượng hoạt động khá. Được tỉnh đầu tư thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, khoan thêm giếng và thành lập đội thanh niên tình nguyện. Từ những điều kiện này, năm 1996 An Lục Long đã có 32 giếng được khoan máy và 2086 hộ dùng nước sạch nhìn chung phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường đã có tiến bộ so với các năm trước.

Việc chăm lo thương binh liệt sĩ, các đối tượng chính sách được thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Hàng năm Đảng uỷ và chính quyền xã An Lục Long tổ chức việc chăm lo cho các đối tượng nghèo, khó khăn, tổ chức tốt ngày 27/7, cấp phát tiền đúng theo đối tượng chính sách. Xã thường xuyên vận động đóng góp quỹ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, trợ cấp kịp thời cho các gia đình khó khăn đột xuất. Xã tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn theo đề án giải quyết việc làm và chương trình xóa đói giảm nghèo, cho hàng chục hộ vay vốn  phát triển kinh tế, nhờ vậy đến năm 1995 toàn xã không còn hộ đói.

Để xây dựng nông thôn mới, An Lục Long đã đầu tư và nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng kéo đường dây trung thế và hạ thế lấy điện thắp sáng cho nhân dân và phục vụ sản xuất, tỷ lệ hộ sử dụng điện chiếm 82%. Cũng từ sự đóng góp của dân, hàng trăm triệu đồng và hàng chục héc-ta đất của dân đã được đem vào sử dụng làm trường học, giao thông nông thôn, xây dựng nhà bia tưởng niệm…

Dân cũng hiến đất và công sức đào kênh 30/4, dẫn nước ngọt về sản xuất, phục vụ sinh hoạt, đào đắp nhiều kênh tưới tiêu và hệ thống ngăn mặn, chống lũ. Từ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, mảnh đất An Lục Long 10 năm sau đổi mới đã thay da đổi thịt, làm đà cho phát triển những năm tiếp theo.

Đến năm 1997, An Lục Long đã có những số liệu điều tra chứng minh cho sự chuyển biến quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của địa phương, cụ thể là: Nhà dân trong xã có 437 căn nhà kiên cố, 1258 căn bán kiên cố, 843 nhà tạm; toàn xã có 537 chiếc xe honda, 1297 tivi, 99 máy bơm nước, 47 máy cày, 33 máy suốt lúa…

Về an ninh quốc phòng, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ xã tăng cường phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng điểm an toàn, hộ an toàn củng cố làm trong sạch nội bộ, tổ chức bộ máy hoạt động từ xã đến ấp. Tăng cường công tác kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu. Công an xã tổ chức thực hiện, thường xuyên tấn công vào các loại tội phạm bằng nhiều biện pháp tổng hợp, kiên quyết xử lý những trường hợp xảy ra, đồng thời xây dựng phong trào gia đình thực hiện 6 điều quy ước về An ninh chính trị.

Năm 1995 toàn xã có 1985/2038 hộ đăng ký chiếm 98% trong đó có 1972 hộ thực hiện được 4 điều quy ước trở lên. Xã cũng xây dựng được 5 điểm đăng ký tạm trú, củng cố 12 Ban tổ tự quản gồm có 36 đồng chí. Với những nỗ lực trên công an xã đã phấn đấu giữ vững An ninh trật tự  trên địa bàn, các vụ việc xảy ra có lúc giải quyết còn chậm nhưng cơ bản được hoàn tất theo đúng quy định pháp luật.

Xây dựng, củng cố lực lượng dân quân, toàn xã có 231 đồng chí, đạt 2,15% dân số; bổ sung vào Ban chỉ huy quân sự xã 1 đồng chí, đồng thời kết hợp với huyện đội xây dựng 1B dân quân nữ. Công tác tuyển quân đảm bảo đúng luật, hàng năm đều đạt chỉ tiêu huyện giao. Song song với công tác tuyển quân, xã giải quyết những trường hợp đào bỏ ngũ, làm tốt công tác hậu phương quân đội. Thực hiện tốt công tác huấn luyện cho lực lượng dân quân các ấp theo đúng kế hoạch, kết hợp với tỉnh tổ chức huấn luyện số quân dự bị hạng 1 nằm trong biên chế của tiểu đoàn 500, đảm bảo trực sẵn sàng chiến đấu.

Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ xã đặt lên hàng đầu. Quán triệt chủ trương của Đảng trong đổi mới và chỉnh tốn Đảng, tuy ở một số bộ phận đảng viên còn tồn tại tư tưởng lạc hậu của cơ chế quản lý cũ, ảnh hưởng bối cảnh thế giới, nhưng nhìn chung tình hình tư tưởng đảng viên trong Đảng bộ là tốt, luôn thể hiện được ý chí vững vàng, kiên quyết vượt qua khó khăn thử thách, học tập quán triệt và vận dụng năng động sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của đảng cấp trên vào điều kiện thực tiễn địa phương, xây dựng nghị quyết của Đảng bộ, chi bộ sát hợp với thực tế để lãnh đạo nhân dân thực hiện đạt được nhiều kết quả tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đảng bộ An Lục Long luôn giữ mối đoàn kết thống nhất nội bộ, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện gây chia rẻ, bè phái mất đoàn kết. Đảng viên được thông tin kịp thời, nắm bắt tình hình đã góp phần mở rộng kiến thức, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có ý thức đấu tranh bảo vệ đường lối chính sách của Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Trong công tác tổ chức luôn giữ vững, đổi mới phương thức lãnh đạo theo đúng chức năng nhiệm vụ của hệ thống chính trị. Tăng cường tập trung dân chủ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; Đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhằm nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn, Đảng bộ đã cử nhiều đồng chí tham gia các lớp học tập. Nhiệm kỳ 1993-1995 đã đưa 2 đồng chí học quản lý nhà nước, 2 đồng chí lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ 5 đồng chí, nâng cao trình độ văn hóa 2 đồng chí; trong hai năm này đã kết nạp 3 đồng chí vào đảng và tiếp tục bồi dưỡng các đối tượng khác.

Đảng bộ tập trung lãnh đạo công tác vận động quần chúng theo tinh thần Nghị quyết 8b của BCHTW Đảng khóa VI về công tác phụ nữ, thanh niên trong tình hình mới. Từ đó xây dựng cơ bản đầy đủ hệ thống tổ chức từ xã đến ấp, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận và các đoàn thể, góp phần đắc lực vào việc kết hợp tuyên truyền, học tập cho quần chúng thông suốt các chủ trương chính sách của đảng pháp luật của nhà nước, hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Nhất là vận động được sức người sức của đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ cho phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân, dần dần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Hoạt động của Hội đồng nhân dân xã đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng, tổ chức tốt các kỳ họp, các buổi tiếp xúc cử tri. Các đại biểu thể hiện được vai trò của người đại biểu nhân dân, giám sát hoạt động của Uỷ ban nhân dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh, kiến nghị để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Uỷ ban nhân dân giữ vai trò trọng yếu trong việc cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ xã, trực tiếp điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đảng bộ tập trung lãnh đạo Ủy ban nhân dân đạt được những kết quả nổi bật như nâng cao năng lực quản lý trên tất cả các mặt kinh tế xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết. Bộ máy tổ chức Uỷ ban nhân dân và các bộ phận chức năng dần dần được ổn định, hoàn chỉnh từ xã xuống ấp (có 12 trưởng ấp/12 ấp).

Việc thực hiện giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân trong xã theo đúng quy định của pháp luật và thẩm quyền.

Do hoạt động thiết thực của mặt trận, đoàn thể thu hút đông đảo quần chúng tham gia, Mặt trận Tổ quốc xã An Lục Long có 9 ban 64 thành viên, Nông dân có 9 tổ 141 thành viên, Phụ nữ có 11 tổ 185 thành viên, Đoàn thanh niên có 8 chi đoàn 48 đoàn viên, Hội Cựu chiến binh có 11 tổ  55 hội viên… Đặc biệt nhân dân trong xã tích cực tham gia các tổ chức quần chúng như Hội làm vườn, Câu lạc bộ sản xuất giỏi, các tổ nhóm tương trợ giúp nhau làm kinh tế…

Như vậy 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, Đảng bộ xã An Lục Long đã lãnh đạo nhân dân phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết phấn đấu xây dựng kinh tế xã hội. Trong 10 năm ấy (1986-1996), xã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, nổi bật là tăng cường phát triển kinh tế, xây dựng các công trình công cộng phục vụ sản xuất và phục vụ phúc lợi xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số nhân dân trong xã được từng bước cải thiện và nâng cao, giảm dần hộ nghèo, xóa được hộ đói. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, cơ sở vật chất trường học được xây dựng mới đảm bảo điều kiện học hành cho học sinh, mạng lưới y tế từng bước được củng cố. Hệ thống chính trị từng bước được hoàn thiện và nâng cao về năng lực lãnh đạo quản lý và vận động quần chúng. Các nghị quyết của Đảng do phù hợp với lòng dân nên đi vào cuộc sống, niềm tin của nhân dân vào đảng, nhà nước ngày càng được nâng lên. Đó là cơ sở thực tế để An Lục Long tiếp tục xây dựng phát triển trong thời kỳ mới.

III. AN LỤC LONG PHÁT TRIỂN TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG THÔN (1996-2006)

1. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giữ ổn định để phát triển (1996-2000)

Đại hội toàn quốc lần thứ VIII (6/1996) đánh giá qua 10 năm thực hiện đường lối đổi mới nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

Sau 20 năm giải phóng, xã An Lục Long có những đổi thay quan trọng, Đảng bộ chính quyền và nhân dân đã khắc phục hậu quả của chiến tranh, trong 10 năm đổi mới Đảng bộ xã An Lục Long luôn xác định đúng hướng việc phát triển nông nghiệp toàn diện, chuyển dịch cơ cấu sản xuất một cách nhanh chóng, sáng tạo vận dụng các quan điểm tư tưởng đổi mới của đảng sát với tình hình thực tế của địa phương, từ đó ổn định được đời sống nhân dân.

Tuy nhiên trong một thời gian dài khi chuyển qua cơ chế quản lý kinh tế mới vẫn còn tồn tại những tư tưởng lạc hậu và thời gian triển khai và thực hiện đường lối đổi mới chưa dài, do đó những kết quả đạt được còn một số tồn tại Đảng bộ xã cần khắc phục. Đó là đội ngũ cán bộ xã, ấp  trình độ văn hóa có phần hạn chế nên hạn chế trong việc nắm bắt chủ trương, lãnh đạo điều hành; cán bộ khoa học kỹ thuật thiếu, yếu về kinh nghiệm, thường phải trông chờ cán bộ cấp trên hỗ trợ về chuyên môn. Do cơ chế kinh tế giá cả thị trường không ổn định, nông dân chưa an tâm trong kinh doanh sản xuất hàng hóa; tệ nạn xã hội ở địa phương còn xảy ra trong từng lúc từng nơi gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhân dân, hoặc tranh chấp thưa kiện; hộ nghèo còn khoảng 10%, sức lao động có thừa nhưng thiếu vốn để phát triển sản xuất.

Ngày 13 tháng 01 năm 1996, Đại hội Đảng bộ xã An Lục Long nhiệm kỳ 1996-2000 được tiến hành. Đại hội đánh giá những thành tựu, yếu kém và đưa ra quan điểm Đảng bộ và nhân dân cần ra sức phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những yếu kém, tiếp tục vận dụng đúng đắn những quan điểm tư tưởng đổi mới của Đảng vào tình hình thực tế một cách khoa học phù hợp với ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, năng động sáng tạo. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1996-2000 gồm 9 đồng chí, đồng chí Phan Tấn Sớm tiếp tục giữ chức Bí thư đảng bộ, đồng chí Võ Văn Long làm Phó Bí thư.

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ kinh tế xã cho xã 5 năm 1996-2000 với những chỉ tiêu cụ thể đã được đưa ra nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương và tranh thủ sự đầu tư từ cấp trên. Đó là:

-       Năng suất lúa 3,8 tấn/ ha/ vụ, sản lượng bình quân lương thực đầu người 1200 kg/người/ năm

-       Cây thanh long 200.000 gốc

-       Tỷ lệ dân sử dụng điện 80%

-       Tỷ lệ trẻ em tiêm chủng mở rộng 100%

-       Tỷ lệ được huy động đến lớp đúng độ tuổi  95%, 85% trở lên học sinh tốt nghiệp hết cấp

-       Phát triển dân quân tự vệ đạt 2,5% dân số

-       Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong giai đoạn 1996-2000, Đảng bộ chú trọng lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

            - Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng thâm canh tăng vụ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi thế mạnh của xã là cây lúa và thanh long. Tận dụng tiềm năng đất đai lao động, nước ngọt là điều kiện sản xuất phát triển. Chú trọng đến phát triển chăn nuôi tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình cải thiện đời sống góp phần tăng sản phẩm hàng hóa cho xã hội. Huy động mọi nguồn vốn trong nhân dân tiếp tục xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, điện nước sinh hoạt và sản xuất.

            - Trong phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa xã hội, nâng cao dân trí, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ gia tăng dân số, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hóa. Thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm.

- Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội gắn phát triển kinh tế với quốc phòng. Xây dựng lực lượng quốc phòng an ninh đấu tranh đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực xã hội, phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” có hiệu quả nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng.

- Tập trung củng cố và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy cao độ nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa của quần chúng nhân dân, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội trên cơ sở quy định của pháp luật để nhân dân được yên tâm phát triển sản xuất.

Tháng 8/2000, Đảng bộ xã An Lục Long tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2000-2005 nhằm tiếp tục đề ra những biện pháp cụ thể thực hiện con đường phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước. Đại hội lần này bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ (2000-2005) gồm 9 đồng chí, do đồng chí Võ Văn Long làm Bí thư, đồng chí Trương Văn Nhanh làm Phó Bí thư.

Trên cơ sở thành tựu của 5 năm 1996-2000, Đảng bộ An Lục Long xác định nhiệm vụ kinh tế xã hội trong thời gian 2000-2005 là phải đẩy nhanh hơn nữa nhịp độ phát triển của xã sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cụ thể là phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội, nâng cao dân trí, tạo sự tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời giữ vững ổn định về chính trị và trật tự an toàn xã hội xây dựng lực lượng quốc phòng an ninh vững mạnh, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Các mục tiêu cụ thể phấn đấu trong 5 năm 2000-2005 là:

-       Tổng sản lượng lương thực hàng năm: 11.762 tấn.

-       Bình quân lương thực đầu người đạt 1.010 kg/ người/ năm.

-       Giữ vững diện tích thanh long là: 564 ha và hoa màu khác là 10 ha hàng năm.

-       Bình quân thu nhập đầu người là 350 USD

-       Giảm hộ nghèo so với hiện nay và không còn hộ nghèo trong diện chính sách.

-       Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng 1%/ năm

-       Tỷ lệ gia tăng dân số còn 1%

-       Xây dựng hoàn chỉnh 50% số ấp văn hóa/12 ấp trong xã.

-       Hộ sử dụng điện và nước sạch đạt 100%

-       Phát triển hội viên đoàn thể 20-25% theo giới không còn đoàn thể trung bình và yếu.

-       Phấn đấu các chi bộ đạt vững mạnh 80%, không có trung bình và yếu.

-       Phát triển đảng viên tăng 30%.

Đặc biệt là Đảng bộ xã An Lục Long đã lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể quần chúng trong xã tập trung thực hiện các giải pháp quan trọng nhằm định hướng cụ thể cho phát triển nhất là trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phá thế độc canh cây lúa, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Mở rộng mô hình sản xuất giỏi, kinh tế VAC để đạt hiệu quả cao nhất về cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đúng hướng, mở rộng các ngành nghề ở nông thôn, khôi phục phát triển các nghề truyền thống. Chú trọng các biện pháp thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, đồng thời chăm sóc sức khỏe nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội…

Nhờ những quyết tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ mục tiêu trên đây mà trong những năm 1996-2000, An Lục Long tiếp tục chuyển biến phát triển, trở thành một trong những xã có tốc độ tăng trưởng nhanh của huyện Châu Thành, làm đà cho quá trình phát triển mạnh mẽ khi bước vào thế kỷ mới.

 2. Thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại (2001-2006)

Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, Đảng bộ xã An Lục Long tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng từ đó đã thu lại năng suất cao, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu ở địa phương và xuất khẩu như gạo, nếp. Trồng luân canh hoa màu trên diện tích lúa hoặc chuyển đất trồng lúa và thanh long lâu năm sang nuôi cá và trồng các loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao như xoài, cam, quýt, bưởi…

Cho đến năm 2005, diện tích gieo trồng lúa toàn xã là 1834 ha và chuyển đổi cơ cấu cây trồng 21 ha. Nhờ áp dụng tốt tiến bộ KHKT trong sản xuất nên năng suất bình quân đạt 4,5 tấn/ ha, bình quân lương thực đầu người 1057 kg/ người (Nghị quyết: 1010kg) vượt 47 kg so với năm 2001. Ngoài việc trồng lúa, hàng năm An Lục Long đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân dân đã áp dụng các tiến bộ KHKT đi vào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập nâng cao đời sống gia đình và làm cho kinh tế địa phương phát triển nhanh.

Cây thanh long diện tích 364 ha, sản lượng 15 tấn/ha. Một số hộ đã áp dụng biện pháp xông đèn cho cây ra hoa trái vụ, sản lượng 18 tấn/ha. Ngoài cây thanh long, nhân dân đã trồng một số loại cây ăn trái khác như cam, quýt, bưởi… diện tích khoảng 30ha. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế đời sống nhân dân ngày càng nâng lên rõ rệt, giảm hộ nghèo năm 2000 là 5% xuống còn 3% vào năm 2005, tăng hộ khá và giàu lên. Nhà kiên cố xây dựng nhiều, dụng cụ và phương tiện phục vụ nhu cầu gia đình ngày càng được trang bị đầy đủ hơn trong từng hộ. Trong năm 2005 xã giải quyết cho 1000 người lao động có việc làm.

Về chăn nuôi, trong nhiều năm qua nhân dân đã biết đầu tư khoa học kỹ thuật và thực hiện theo hướng bán công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ, mạnh dạn đầu tư vào đàn gia súc, gia cầm. Ngoài thế mạnh của xã là chăn nuôi heo, những năm gần đây nhân dân trong xã còn nuôi bò và dê mang lại lợi ích kinh tế cao, toàn xã có 1175 con bò, đạt 335% so với chỉ tiêu nghị quyết, 10.000 con heo, đạt 423%; dê 1.500 con đạt 600%; cá các loại 30 ha vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Riêng gia cầm bị ảnh hưởng dịch cúm gia cầm nên không đạt chỉ tiêu nghị quyết. Nhìn chung, tình hình chăn nuôi những năm qua phát triển mạnh, tăng 3 lần so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra và chiếm tỷ trọng 40% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện nghị quyết Tỉnh ủy về kinh tế hợp tác ở nông thôn, thời gian qua trên địa bàn xã chưa có mô hình hợp tác lớn, chỉ hình thành một số mô hình nhỏ như xây dựng bồn nước, kéo điện xông thanh long cho ra hoa trái vụ, tổ hợp tác chăn nuôi bò, tổ vần đổi công… Để tạo nguồn vốn cho nông dân sản xuất và chăn nuôi, xã đã liên hệ với các ngân hàng và quỹ tín dụng đảm bảo nguồn vốn cho nhân dân vay vốn. Nhân dân đã phát huy được nguồn vốn vay, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Vận dụng chính sách kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo quan điểm của Đảng và dựa vào tình hình thực tế ở địa phương, Đảng bộ quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các ngành nghề, mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất như nhà máy xay xát lúa gạo, bán vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… Nhờ đó đã giải quyết một phần lao động nông nhàn tại địa phương… Riêng những năm 2000-2005 xã đã giải quyết 1.000 lao động nhàn rỗi cung cấp cho các cơ sở khác như đan thảm, dệt chiếu gia công cho các cơ sở ở tỉnh Tiền Giang, may mặc, làm hạt điều ở các xí nghiệp. Thương mại dịch vụ đã phát triển đều khắp trên địa bàn xã, đặc biệt là đầu tư xây dựng, sắp xếp việc buôn bán ở chợ Cầu Vuông bước đầu đạt hiệu quả. Đến năm 2005, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ đã phát triển mạnh hơn, chiếm tỷ trọng khoảng 15% so với cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế địa phương.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng  bộ và sự điều hành quản lý của nhà nước, các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thông tin cơ sở ở xã cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) và kết luận Hội nghị trung ương X (khóa IX) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, xã không ngừng tuyên truyền giáo dục nhân dân phát huy những truyền thống văn hóa dân tộc, giữ gìn thuần phong mỹ tục, những tập quán lễ hội truyền thống ở địa phương, bài trừ thủ tục lạc hậu mê tín dị đoan.

Thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hóa, có 100% số hộ toàn xã đăng ký, hàng năm đạt gia đình văn hóa trên 85%, xây dựng 12 ấp văn hóa, được công nhận đạt ấp văn hóa cấp tỉnh 1 ấp và huyện là 3 ấp. Đảng bộ lãnh đạo kiên quyết đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm độc hại. Tiến hành xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ, xây dựng bia chiến thắng ấp chợ Ông Bái, xây dựng nhà thờ liệt sĩ ấp Cầu Ván. Cùng với sự hỗ trợ của huyện, xã đã lắp đặt 15 trạm đài truyền thanh trong toàn xã nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong nhân dân.

Về phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, xã thành lập 5 câu lạc bộ văn nghệ, 7 câu lạc bộ thể dục thể thao. Các hoạt động diễn ra sôi nổi, làm khơi dậy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng thời rèn luyện sức khỏe cho nhân dân.

Chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo luôn được Đảng bộ quan tâm hàng đầu. Cụ thể là xã cho xây dựng trường, lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học, tách trường tiểu học An Lục Long và trường THCS An Lục Long, xây dựng thêm trường tiểu học An Lục Long B và đảm bảo điều kiện học tập theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ giáo viên không chỉ đảm bảo số lượng mà còn có trình độ chuyên môn giỏi, an tâm công tác. Để thực hiện xã hội hóa giáo dục, xã cho xây dựng Hội khuyến học, xây dựng quỹ bảo trợ tài năng trẻ giúp học sinh nghèo hiếu học hàng năm, vận động hàng trăm triệu đồng xây dựng và kiên cố hóa trường học. Kết quả nổi bật trong công tác giáo dục là xã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học đạt 100%, trung học cơ sở 95%, trường tiểu học An Lục Long B và trường THCS đạt trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc trong những năm 2005-2006.

Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Đảng bộ xã đã tiến hành củng cố đội ngũ cán bộ y tế, xây dựng mạng lưới y tế ấp phục vụ tốt khám và điều trị cho nhân dân. Các chương trình y tế quốc gia đạt hiệu quả hoàn thành và vượt chỉ tiêu. Đặc biệt giảm tỷ lệ gia tăng dân số xã còn 0,7% (Nghị quyết 1%) vượt 0,3% so với nghị quyết.

Thực hiện chính sách xã hội, chính quyền xã giải quyết kịp thời các chế độ chính sách, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị trong và  ngoài tỉnh, trong 10 năm 1996-2006, xã đã xây dựng được 45 căn nhà tình nghĩa, tặng 20 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 20 triệu đồng, đặc biệt các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng. Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được thực hiện tốt, việc cho vay vốn sản xuất, phát triển ngành nghề khá thuận lợi, từ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 3%, giải quyết cho hàng ngàn lao động trong xã có việc làm.

Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, xã cho mở rộng hệ thống giao thông nông thôn như tu sửa, dậm vá trải sỏi đỏ, bê tông hóa, xây dựng cầu cống. Đến năm 2006 toàn xã có 99% đường liên xóm-ấp được trải sỏi đỏ (11 đường bê tông hóa, xây dựng và sửa chữa 10 cây cầu), đảm bảo đi lại cho nhân dân và trao đổi hàng hóa giữa các vùng với nhau được dễ dàng. Phát triển hệ thống điện, bằng nguồn vốn kinh phí tỉnh, huyện, xã và dân đóng góp đã kéo được 12 km điện trung thế đến 12 ấp, cải tạo 3 mạng lưới điện hạ thế, nâng số hộ sử dụng điện lên 99,05%. Về nguồn nước đảm bảo 100% hộ sử dụng nước sạch trong sinh hoạt đạt kế hoạch đề ra.

Như vậy, chỉ trong 10 năm tiếp tục sự nghiệp đổi mới, xã đã có những bước đi với nhiều thắng lợi trong phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa xã hội, các chỉ tiêu nghị quyết của 2 nhiệm kỳ 1996-2000 và 2000-2005 đều đạt và vượt. Tỷ trọng kinh tế trong nông nghiêp, tiểu thủ công nghiệp đều tăng cao đặc biệt nhân dân đã áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi nên năng suất và chất lượng đạt cao. Đời sống văn hóa với mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa đều hoàn thành, trình độ dân trí nâng cao, sinh hoạt văn hóa văn nghệ thể dục thể thao trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu trong nhân dân, bộ mặt xã từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng đã đổi mới thực sự.

Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, xử lý tốt các vụ việc xảy ra. Phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, quản lý tốt hộ khẩu, các vụ việc xảy ra trên địa bàn giảm, năm 2004 có 19 vụ xảy ra giảm hơn 20 vụ so với năm 2001. Tổ tự quản, tổ hòa giải, thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả. Hàng năm xã xây dựng củng cố phát triển lực lượng dân quân tự vệ được 284 dân quân đạt 2,32% dân số. Công tác tuyển quân hàng năm đạt 100% kế hoạch. Lực lượng dân quân tự vệ thường xuyên được huấn luyện và sẵn sàng làm nhiệm vụ được giao, giữ gìn anh ninh trật tự địa phương bảo vệ quê hương.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Đảng bộ xã An Lục Long  quán triệt chủ trương “lấy dân làm gốc”, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, và tinh thần đoàn kết toàn dân.

Hội đồng nhân dân tiếp tục thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền lực của nhà nước ở địa phương. Tổ chức tốt công tác bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đúng luật. Nghị quyết đưa ra phù hợp với nhu cầu cuộc sống của nhân dân và được nhân dân đồng tình hưởng hứng. Chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân xã ngày được nâng lên, đa số các đại biểu thể hiện được vai trò đại biểu nhân dân, gần gũi và sâu sát với dân, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân để điều chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong quá trình hoạt động. Việc tiếp xúc với cử tri theo định kỳ được giữ vững.

Ủy ban nhân dân xã luôn thực hiện đúng quy định về quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, xắp xếp, phân công cán bộ có năng lực quản lý điều hành và tổ chức thực hiện theo đúng pháp luật. Bộ máy ở các ấp đã hoàn chỉnh, ổn định bước đầu đã tạo sự chuyển biến hoạt động kết quả cao đã bầu 12 trưởng ấp và các phó ấp để làm cơ sở quản lý nhà nước sâu sát trên địa bàn. Công tác cải cách hành chính theo cơ chế một cửa được thực hiện tốt, giảm được phiền hà và đi lại của nhân dân. Nghị quyết của Đảng đã được cụ thể hóa thành kế hoạch của ủy ban phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, nên nghị quyết đã đi vào cuộc sống.

Đối với việc thực hiện quy chế dân chủ, các văn bản của nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và các chủ trương của xã đều được phổ biến sâu rộng để nhân dân nhận thức được quyền làm chủ của mình đối với các công việc ở địa phương. Nhân dân tham gia thảo luận bàn bạc, góp ý kiến đồng thời hưởng ứng tích cực các phong trào địa phương, từ đó các kế hoạch của địa phương đều đạt kết quả tốt.

Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được phát huy vai trò của mình trong hệ thống chính trị, càng tích cực vận động và tổ chức hướng dẫn nhân dân lao động sản xuất xây dựng quê hương. Hoạt động có sự đổi mới về nội dung và phương thức tạo được những phong trào sôi nổi như chương trình xóa đói giảm nghèo giải quyết việc làm, phong trào giúp nhau làm kinh tế gia đình, mở nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi nhất là chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo nghị quyết từng bước đạt hiệu quả tốt, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đối với công tác đảng, Đảng bộ tập trung quán triệt đường lối, nghị quyết các cấp cho đảng viên và nhân dân thực hiện. Đảng viên đã được học tập quán triệt chủ nghĩa Mac-lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận thức đúng đắn đường lối, quan điểm của Đảng. Đảng bộ luôn thể hiện được tinh thần đoàn kết thống nhất trong nội bộ, từ đó tạo được sự đồng tình trong nhân dân. Phát triển Đảng viên hàng năm đạt 75% chỉ tiêu nghị quyết đề ra, nhiệm kỳ 2000-2005 đã kết nạp được 22 đảng viên mới. 

 Tuy nhiên An Lục Long cũng còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Đội ngũ cán bộ xã, ấp trình độ văn hóa, chính trị còn ở mức thấp, chưa ngang tầm với thời kỳ đổi mới công nghiệp hóa hiện đại hóa. Còn trong tình trạng vừa học vừa làm. Do cơ chế chính sách đối với cán bộ xã, ấp còn nhiều bất cập chưa hợp lý về chế độ tiền lương. Do đó việc đào tạo thu tuyển dụng cán bộ có tài để bổ sung vào số chức danh chủ chốt có phần khó khăn.

An Lục Long chuyên sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trồng trọt, chỉ có một số ít hộ kinh doanh mua bán nhỏ và một số doanh nghiệp tư nhân. Do đó việc thu ngân sách hàng năm còn nhiều hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng những công trình công cộng vững chắc, lâu dài.

 Ngày 25 tháng 7 năm 2005, Đại hội Đảng bộ xã An Lục Long lần thứ XII nhiệm kỳ 2005-2010 đã tiến hành. Đảng bộ đề ra nhiệm vụ trọng tâm của xã là: tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa xã hội, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, tạo sự tiến bộ và công bằng xã hội. Đại hội đã tiếp tục tín nhiệm đồng chí Võ Văn Long làm Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Võ Hùng Phi làm Phó bí thư. Đại hội cũng đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu như;

-       Tổng sản lượng lương thực 14460 tấn, bình quân lương thực đầu người 1.199 kg, diện tích gieo trồng hằng năm 1892 ha

-       Thu nhập đầu người năm 2010: 500 USD/người.

-       100% hộ sử dụng điện, nước sạch

-       Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1%

-       8/12 ấp văn hóa được tỉnh, huyện công nhận..

-       Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Năm 2006, Đảng bộ xã đang ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành nghị quyết đại hội. Toàn xã không còn 1 vụ lúa trong năm như trước đây nhân dân phát triển lúa 2 - 3 vụ trong năm năng suất từ 4 - 5 tấn/1 ha cá biệt cũng có số ha đạt 6 - 6,5 tấn/1 ha. Qua đánh giá của Đảng bộ xã cho thấy các nghị quyết của năm đề ra đều hoàn thành, hoạt động tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ được duy trì phát triển nhất là chợ Cầu Vuông được xây dựng tạo thuận lợi trong việc trao đổi hàng hoá cho nhân dân, văn hóa xã hội đã có nhiều bước tiến. Đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Đảng bộ đang ra sức phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, cùng với những điều kiện thuận lợi cuả địa phương và sự hỗ trợ của cấp trên phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà mục tiêu đại hội đã đề ra.

*

 Hơn ba thập niên kể từ sau giải phóng thống nhất đất nước, An Lục Long cùng toàn huyện Châu Thành và toàn tỉnh bước vào công cuộc cách mạng mới – cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Lục Long đã vượt qua nhiều khó khăn và phức tạp của tình hình, nỗ lực vươn lên, xây dựng và củng cố chính quyền, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, vun đắp khối đoàn kết toàn dân. Trải qua nhiều chặng đường phát triển, An Lục Long đã chuyển biến đi lên cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần, người dân làm chủ nông thôn với nền kinh tế nông nghiệp đã và đang phát triển toàn diện, đúng hướng.

Quá trình ấy, những lớp người mới sinh ra và lớn lên trong thời bình đã và đang trở thành người chủ tương lai của quê hương An Lục Long. Trong những thế hệ mới đang lao động và học tập, phấn đấu, rèn luyện ấy, có đội ngũ cán bộ xã và ấp được trưởng thành, thể hiện được lòng nhiệt tình và trách nhiệm với sự nghiệp cách mạng, họ không nệ khó khăn, gian khổ để làm tròn trách nhiệm mà Đảng, chính quyền và nhân dân giao phó.

Đó là những tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân An Lục Long tin tưởng vào những thắng lợi trong công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước trên quê hương mình. An Lục Long đã và đang tiếp tục duy trì ổn định để phát triển kinh tế – xã hội địa phương, đẩy mạnh sản xuất hàng hoá nông nghiệp, phát huy ngày càng hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, tất cả cho một tương lai phát triển bền vững.

 KẾT LUẬN

Từ đầu thế kỷ XX An Lục Long đã có tên trên bản đồ hành chính Tân An. An Lục Long là địa bàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng, được khẳng định cả trong quá trình đấu tranh cách mạng và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. 

Trong chiến tranh cách mạng, An Lục Long là một phần hữu cơ trên chiến trường du kích phía Nam tỉnh Long An. An Lục Long nằm trong khu vực căn cứ liên tỉnh Tân An – Mỹ Tho, do đó nơi đây vừa là căn cứ cho một số xã lân cận, vừa là căn cứ của các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, đồng thời là căn cứ của tỉnh Long An, Mỹ Tho và Quân khu 8. Địa hình từ khu vực chợ Ông Bái lên Cầu Hàng, Cầu Đôi, Cầu Ván, Cầu Kinh, trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ có nhiều lần hình thành các trạm, đường dây liên lạc, đường vận chuyển súng đạn của quân khu 8 về các nơi.

Người dân ở đây hướng một lòng về cách mạng và Bác Hồ. Kẻ địch trăm phương ngàn kế chia cách mối quan hệ gắn bó ấy đều chỉ thất bại mà thôi. Thực vậy, thời kháng chiến có ông lão ở ấp Cầu Kinh nuôi lớn 3 đứa con trai rồi đưa cả ra mật trận; cả 3 anh (Do Lớn, Do Nhỏ, Lập) sau đó đều trưởng thành và lập công. Lại có chị Tư Anh ở ấp Cầu Đúc, nhất quyết phân công chồng ở nhà nuôi con, còn chị đi thoát ly theo kháng chiến; và chị đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Tuy đời sống của nhân dân đầy khó khăn thiếu thốn, nhà cửa phải di dời, sơ tán ra khỏi địa hình oanh kích bắn phá của giặc Mỹ… Nhưng nhân dân vẫn bám trụ, cán bộ và du kích vẫn bám dân, chịu đựng gian khổ, hy sinh trong hàng chục năm để theo Đảng làm cách mạng đến cùng.

Trong kháng chiến, An Lục Long đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Bằng khen của Chính phủ cách mạng lâm thời và đặc biệt là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Từ sau giải phóng đến nay, Chi bộ, Đảng bộ, chính quyền xã, Mặt trận Tổ quốc cùng các tầng lớp nhân dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, tạo điều kiện giúp dân khôi phục lại nhà ở, khai hoang phục hóa, phát triển cây trồng vật nuôi…

Có kế hoạch vận động nhân dân góp công sức lao động bắc cầu, bồi lộ, chủ động đắp đập, ngăn sông cầu đôi, nạo vét đào mới kinh mương, đặt cống dẫn nguồn nước ngọt, đắp đê ngăn nước mặn khu vực biền thùng, và từ cầu đôi đến ranh xã Thanh Phú Long đê bao ngăn mặn, đường giao thông. Cũng như hàng chục đường kinh, sườn, kinh máng đều do sức lao động làm nên. Từ hiệu quả bước đầu được tăng dần diện tích, sản lượng lúa - cây trồng vật nuôi đời sống nhân dân có phần ổn định.

Tiếp tục phát triển việc ngăn mặn dẫn ngọt, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất cũng như sinh hoạt trong nhân dân, xã mạnh dạn chi ngân sách xã, cùng với dân góp sức về đất đai, lao động. Thuê mướn cơ giới, nới rộng lòng rạch từ Cầu Sắt đến Cầu Thuận Hòa xã Đăng Hưng Phước, Tiền Giang nới rộng đường kinh 30 tháng tư từ cầu kinh đến trạm y tế xã, có được nguồn nước ngọt từ sông Tiền phục vụ sản xuất, từ đó dân có thể cải tạo vườn tạp, phá thế độc canh cây lúa, tận dụng đất trồng cây thanh long, rau màu… nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế đời sống.

Từ sự đột phá, chủ trương việc làm có hiệu quả của xã, các ngành cấp trên tiếp tục đầu tư hỗ trợ vốn cùng với sức dân đến năm 1998 kinh 30/4 được nối dài dẫn nước ngọt đến xã Thuận Mỹ, kinh Cầu Ván đến cống Cầu Đôi được mở rộng, đê bao ngăn mặn cặp theo sông Quán Cạn được nâng cấp, đảm bảo toàn xã không còn nước mặn lên đồng ruộng, có nước ngọt quanh năm. Diện tích 1 vụ lúa không còn, nhân dân phấn khởi sản xuất lúa 2 - 3 vụ lúa trong 1 năm, năng suất được tăng cao từ 3 - 6 tấn/1 ha.

Thực hiện chủ trương tổ chức tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp, chi bộ chính quyền xã có mạnh dạn linh hoạt về mức cắt đất, khoan đất cho hộ khẩu. Trong quá trình vận động, nắm được diện tích thiếu, thừa, nhân hộ khẩu, vận động hộ thừa đất, giao nhượng đất. Từ đó trong việc cấp khoán đất hộ thừa đất có lưa ra nhiều hơn so với hộ không có đất. Do đó được sự đồng tình của đại đa số hộ thừa đất giao đất cho chính quyền để trang trải cấp đất cho hộ khẩu không có đất để cùng nhau sản xuất. Đồng thời sau khi giải thể tập đoàn, hợp tác xã cũng được xem xét hoàn trả DT cho hộ thừa đất có hợp tình hợp lý trong tinh thần vận động nhường cơm, xẻ áo.

Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân về điện, nước sạch, năm 1986 Chi bộ và chính quyền xã thực hiện kế hoạch kéo 12km đường điện thắp sáng, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, khoan giếng nước ngầm. Tranh thủ với cấp trên phê duyệt chủ trương, cử cán bộ đến cơ quan điện lực, cơ quan khoan giếng của tỉnh trình xin thực hiện về yêu cầu trên. Được phê duỵêt kế hoạch bước đầu thực hiện 2 đường hạ thế cung cấp điện ở 2 khu vực đường Cầu Vuông đến ấp Đồng Tre và đường Lô chợ ông Bái trên tinh thần sức dân đóng góp. Khoan giếng nước ở các khu vực giúp dân tiêu dùng nước sạch, đề nghị cấp trên giúp vật tư xây dựng hố xí 2 ngăn theo chủ trương vệ sinh môi trường được nhiều hộ dân hưởng ứng.

 Cũng từ kết quả trên dần dần triển khai xây dựng phủ kín lưới điện trung hạ thế đều khắp trong toàn xã, cũng như nước sạch được lắp đặt bơm máy, dẫn ống đến tận hộ nhân dân tiêu xài. Không còn cảnh tiêu dùng nước ao hồ, sông rạch. Đồng thời kết hợp lưới điện đến đâu xã lắp đặt máy phát thanh đều khắp trong các ấp, nhân dân được nghe đài sáng, chiều mỗi ngày 2 buổi phát thanh, truyền thanh. Đây cũng là xã có mô hình xây dựng cụm đài truyền thanh ở xã, ấp đầu tiên của huyện Châu Thành.

Phong trào xóa dốt, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, cũng là xã được cấp trên công nhận xã có phong trào đi đầu. Phong trào xây dựng trường lớp, từ chỗ con em thất học, chính quyền cùng với dân xây dựng trường lớp đều khắp ở các ấp. Từ vật liệu bằng tre, lá dụng cụ học thô sơ bằng gỗ tạp xin trong dân để đóng bàn ghế học sinh, dần dần được thay đổi bằng bêton ngói hóa, dụng cụ thiết bị học tập đáp ứng với nhu cầu chung cho việc dạy và học, năm 2000 được tỉnh công nhận 1 điểm trường đạt chuẩn quốc gia và cũng còn 1 - 2 điểm gần đạt chuẩn.

Qua chặng đường 32 năm xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong đó 10 năm khắc phục hậu qủa chiến tranh và hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định Đảng bộ xã An Lục Long đã hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo mọi mặt của địa phương. Đến nay đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã nâng lên rõ rệt. Đảng bộ xã đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, giữ vững bản chất và tính tiên phong của giai cấp công nhân, tính sáng tạo và sự gắn bó với nhân dân cùng nhau xây dựng  quê hương giàu đẹp. Đất nước ta đã gia nhập WTO- tổ chức thương mại thế giới, Đảng bộ xã phát huy hơn nữa tinh thần của một đảng tiên phong, đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để lãnh đạo đưa xã xây dựng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn thành công và vững chắc.

Như vậy, biến đổi sâu sắc nhất của An Lục Long là trong thời kỳ từ sau giải phóng đến nay. Đó là thời kỳ mà Đảng bộ và chính quyền xã trở thành hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ mới trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Lục Long đã tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn gian khổ để làm thay đổi căn bản bộ mặt xã hội, đời sống kinh tế và đời sống văn hóa của xã. Có thể nói trong vòng 30 năm nay, An Lục Long đã thoát ra khỏi lạc hậu, nghèo nàn và chuyển thành một điểm sáng phát triển kinh tế- xã hội của huyện và của tỉnh.

An Lục Long đã viết nên những trang sử hào hùng của mình bằng những chiến công đánh giặc cứu nước, bằng sự đóng góp sức người sức của, của những lớp người đã đến và định cư ở đây. Trong kháng chiến là vậy, còn trong hòa bình xây dựng, những cố gắng nỗ lực của hàng ngàn người dân tại chổ, lao động sản xuất nông nghiệp, khai phá mở rộng diện tích đất trồng, đẩy mạnh hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, an ninh quốc phòng. Đó là những trang sử truyền thống được viết bằng máu thịt, mồ hôi, nước mắt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ yêu nước, một lòng một dạ theo Đảng làm cách mạng, sẵn sàng hy sinh tính mạng, của cải cho thắng lợi của cuộc kháng chiến cũng như thắng lợi của công cuộc xây dựng lại quê hương.

Qúa trình ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở An Lục Long đã tô thắm lên những nét đẹp truyền thống của mình. Đó là:

-       Tinh thần bám trụ kiên cường, đấu tranh anh dũng chống quân thù, giành lại tự do độc lập, kiên quyết giữ đất giữ làng.

-       Tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau giữa các tầng lớp nhân dân, các cán bộ chiến sĩ, trong đấu tranh cách mạng cũng như trong xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

-       Sự chịu đựng gian khổ hy sinh, đức tính cần cù, chịu khó, nhẫn nại, nỗ lực vươn lên, vận dụng sáng tạo những chủ trương chính sách của Đảng, thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ và mục tiêu cách mạng đề ra.

An Lục Long trong đấu tranh và xây dựng đã không ngừng củng cố khối đoàn kết toàn dân, mối liên hệ mật thiết gắn bó với nhau giữa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cùng phấn đấu cho một mục tiêu chung là giải phóng quê hương và xây dựng cuộc sống mới. Trong kháng chiến, dân tham gia 3 mũi giáp công, có mặt trong các đội quân tóc dài. Ấp chiến lược của địch bị phá đi phá lại. Trong hòa bình xây dựng, những lúc chưa có chủ trương chính sách đúng, dân thấy có lợi cho dân cho nước là dân làm. Có khi chính sách nhà nước cản trở phát triển, nhưng dân không chịu đói, dân tự làm tự cứu và làm chui để sống, không chịu bó tay.

Bài học quan trọng nhất của Đảng bộ, chính quyền xã An Lục Long trong đấu tranh và xây dựng là:

-       Trước hết là phải đặt niềm tin tưởng vững chắc vào sự ủng hộ của dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đảng tin dân thì dân tin Đảng và theo Đảng làm cách mạng, hy sinh tất cả cho thắng lợi của cách mạng. Phải không ngừng củng cố niềm tin ấy để Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với sự nghiệp cách mạng ở địa phương. Lòng dân tin Đảng đã đem hết tinh thần và sức lực, của cải phục vụ cách mạng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

-       Xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ và nhân dân, thông qua các hình thức thích hợp…

-       Không ngừng nâng cao vai trò trách nhiệm của từng đảng viên, của mỗi chi bộ và toàn Đảng bộ trước yêu cầu nhiệm vụ của mỗi thời kỳ lịch sử. Người cán bộ, đảng viên phải luôn đi đầu, gương mẫu trước quần chúng trong mọi thời kỳ cách mạng.

-       Xây dựng cho được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm phong trào quần chúng, ra sức đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng theo chủ trương đường lối của Đảng bộ và chính quyền cấp trên.

-       Đội ngũ Đảng viên, cán bộ phải có tinh thần đoàn kết cao, không bè phái, luôn đề cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, biết vận dụng chủ trương của Đảng và luật pháp, dựa vào dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Từ đó có những chủ trương, Nghị quyết, kế hoạch sát đáng trong điều hành thực hiện đem lại hiệu quả cao. Tôn trọng ý kiến đóng góp của cán bộ cách mạng lão thành, ý kiến của tập thể nhân dân để áp dụng trong thực tiễn ở địa phương cơ sở. Kịp thời chấn chỉnh sửa chữa về những bất hợp lý, không đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Cán bộ, nhất là chủ chốt phải gần dân, sát dân để lắng nghe tâm tư, tình cảm của dân, kiểm tra đôn đốc các hoạt động của cán bộ ấp. Kịp thời khắc phục những thiếu sót, sai trái chủ trương chung, không hợp lòng dân.

Lịch sử của xã An Lục Long đã trải qua hơn 70 năm phát triển, từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay. Ðó là lịch sử của nhân dân làm nên tất cả những biến đổi qua các thời kỳ. Nhân dân đóng góp xương máu, tiền bạc, công sức, con em, và cả trí tuệ cho cách mạng trong hơn nửa thế kỷ vừa qua.

Bước sang thế kỷ mới, với kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã, với ý chí vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Lục Long đã và đang khắc phục nhiều khó khăn, vượt qua nhiều thử thách, phát huy truyền thống anh hùng thời đánh Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, kiên quyết phấn đấu thực hiện tốt những mục tiêu phát triển được đề ra. Chắc chắn An Lục Long sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương.

________________

 

PHỤ LỤC

NHỮNG SỰ KIỆN VỀ TRUYỀN THỐNG

1. Ông Mai Văn Tấn

Những năm 1861-1867, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân đánh chìm tàu Espérance Pháp ở Nhựt Tảo. Trong số nghĩa quân có ông Mai Văn Tấn ở An Lục Long là ông của Mai Văn Phát.

2. Nhà họ Trần

Thủ Khoa Huân lãnh tụ của nghĩa quân chống Pháp ở Mỹ Tho. Pháp bắt ông và một số nghĩa quân trong đó có 6 anh em nhà họ Trần là chú bác với cụ Trần Văn Chơi thân phụ Trần Văn Giàu ở An Lục Long. Giặc Pháp giết 6 anh em và Thủ Khoa Huân trong cùng 1 ngày.

3. Ông Đoàn Công Đa - Thiên Địa Hội

Những năm 1910-1916 ở An Lục Long có ông Đoàn Công Đa đưa quân phá khám lớn Sài Gòn, thất bại ông bị tù. Thiên Địa Hội không thành công nhưng tạo dấu ấn phong trào Cần Vương chống Pháp.

4. Đồng chí Mai Văn Phát

Năm 1936 ở An Lục Long có ông Mai Văn phát cảm tình và vào Đảng Cộng sản xây dựng phong trào ái hữu và tổ chức chi bộ xã An Lục Long. Đến năm 1945 chi bộ lãnh đạo cách mạng tháng 8 thành công ở An Lục Long. Thực dân Pháp trở lại bắt ông Mai Văn Phú là thân phụ ông Mai Văn Phát, giặc Pháp áp ông Phú làm tề trở lại, ông phản đối không làm, giặc ép ông đưa con ra hàng ông Phú cũng phản đối. Giặc Pháp bắn ông cả Phú là thân phụ của Mai Văn Phát, nhưng cả gia đình ông vẫn kiên trì một lòng theo cách mạng và tham gia kháng chiến. Gồm: Mai Văn Ngọc (Tám Hóa) em đồng chí Phát; Mai Văn Bửu (Nông hội An Lục Long)  hy sinh, em đồng chí Phát; Mai Văn Hưng (cơ yếu tập kết); Mai Văn Quới (Mặt trận Việt Minh An Lục Long) em chú bác với đồng chí Phát.

5. Đồng chí Trần Văn Giàu

Trần Văn Giàu là con cụ Trần Văn Chơi ở ấp Tân Lục xã An Lục Long, gia đình phú nông có truyền thống chống Pháp. Ông Giàu học giỏi được gởi sang Pháp học. Hoạt động cách mạng ở Pháp, vào Đảng Cộng sản Pháp, sang Liên Xô học trường Đại học Phương Đông. Về nước năm 1936 thời phong trào Dân chủ tiếp tục hoạt động cách mạng ở Sài Gòn, thường về xã diễn thuyết, hướng dẫn phong trào cách mạng ở An Lục Long, Long Trì, Dương Xuân Hội… Trần Văn Giàu rất thông minh, có tài chinh phục các học giả trí thức. Năm 1945 làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và lãnh đạo cách mạng tháng Tám thành công. Ra Bắc làm Giáo sư có nhiều uy ín, viết nhiều sách triết học, sử học. Sau năm 1975, tuổi già nhưng vẫn có nhiều hoạt động giúp đỡ thế hệ trẻ như lập quỹ học bổng cho sinh viên nghèo, lập trường học ở Phú Ngãi Trị, lập giải thưởng Trần Văn Giàu…

6. Đồng chí Lê Phát Sáu

Lê Phát Sáu sinh năm 1925, tham gia cách mạng 1948. Trong trận càn lớn anh bị địch bắt đưa về Gò Công ở tù. Khi được thả ra, Lê Phát Sáu về An Lục Long, được Huyện ủy Châu Thành phân công phụ trách Bí thư chi bộ An Lục Long (3 lần), có lúc kiêm luôn Bí thư xã Long Trì. Anh chịu biết bao gian khổ, nằm hầm, ở bụi, có lúc địa hình bị phát quang, thám báo, điểm chỉ, chiêu hồi theo dõi giết hại anh. Nhưng anh vẫn bám trụ, một lòng một dạ vì dân vì nước, đeo bám xây dựng phong trào quần chúng. Anh chỉ đạo phong trào Đồng khởi 1960 ở An Lục Long, phá ấp chiến lược, diệt ác phá kềm (1967-1969). Năm 1972, anh là Phó Bí thư Huyện ủy, đi công tác Thanh Phú Long về bị phục kích, địch bắn anh hy sinh. Trước khi hy sinh anh hô khẩu hiệu Hồ Chí Minh muôn năm. Đồng chí Lê Phát Sáu là người đóng góp nhiều công xây dựng xã. Gia đình đồng chí Lê Phát Sáu là gia đình cách mạng có 2 người là liệt sỹ: Lê Phát Bảy bộ đội, hy sinh năm 1948 ở Mộc Hoá.

NHỮNG TẤM GƯƠNG HY SINH CAO CẢ

1. Đồng chí Tấn Hưng (Hai Tồn)

Đồng chí Tấn Hưng tức là Hai Tồn Bí thư xã An Lục Long kiêm chính trị viên xã đội. Trong một trận càn lớn năm 1950 vào ấp chợ Ông Bái, giặc bắt được Mười Trọng là cán bộ quân sự liên xã và Trọng đã đầu hàng giặc. Nhờ đó địch đến nhà ông Mười Hữu phá hầm bí mật và bắn chết đồng chí Than cán bộ tài chính Huyện Châu Thành; sau đó chúng đến nhà ông Hai Khéo chỉ hầm bí mật và bắt đồng chí Tấn Hưng. Địch cậy nắp hầm và gọi hàng, đồng chí Tấn Hưng đáp lại bằng tung lựu đạn, địch hoảng sợ dang ra và tập trung bao vây, khi hết lựu đạn, đồng chí Tấn Hưng hô to Hồ Chí Minh muôn năm và lựu đạn nổ tung hầm tự sát. Địch rất khiếp sợ và khâm phục gương chiến đấu đến cùng của người chiến sĩ cộng sản. Cũng nhờ lúc đồng chí Tấn Hưng bị bao vây và tự sát thu hút địch, mà đồng chí Chui xã đội phó trốn gần đó có cơ hội thoát khỏi tay giặc.

2. Đồng chí Cao Văn Đổng

Đồng chí Sáu Đổng xã đội trưởng An Lục Long. Trong lúc tình hình khó khăn, địch đóng bót Rạch Tràm, bọn biệt kích thường xuyên đột kích ấp Chợ Ông Bái. Giặc bắt được đồng chí Sáu Đổng, chúng dụ hàng khai báo, nhưng đồng chí Sáu Đổng không hàng, không khai, chúng dùng 3 tên trấn nước đã bị đói, đồng chí Sáu Đổng dùng hết sức mạnh đè trấn nước lại bọn lính. Cuộc đọ sức ở thế yếu hơn, đồng chí Sáu Đổng nhục mạ bọn lính là đồ Việt gian, phản bội lại dân tộc. Địch đã bắn chết đồng chí Sáu Đổng. Nhân dân ấp chợ Ông Bái thương tiếc, mến phục tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Sáu Đổng.

3. Đồng chí Huỳnh Văn Chữ

Đồng chí Huỳnh Văn Chữ cán bộ binh vận xã An Lục Long thời chống Mỹ. Trong một trận càn lớn của địch, đồng chí Chữ bị thương và bị địch bắt. Chúng bắt dân lấy võng khiêng về bót để khai thác. Nhưng đồng chí Chữ quyết không khuất phục. Đồng chí lần ra khỏi võng, té lăn ra ruộng, mắng nhiếc bọn địch. Bọn địch đã hèn hạ bắn chết đồng chí Chữ. Tấm gương hy sinh để bảo vệ cơ sở mật ấy được nhân dân rất khâm phục.

THÀNH TÍCH VÀ ĐÓNG GÓP TRONG KHÁNG CHIẾN

Tổng số huân, huy chương: 165. Trong đó:

-              Huân chương: 68

-              Huy chương: 97

-              Bằng vẻ vang: 169

-              Bằng gia đình danh dự: 33

An Lục Long được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Quyết định của Chủ tịch nước, số 424 KT/CTN  ngày 22 tháng 08 năm 1998.

Tổng số thương bệnh binh: 56 (Thương binh: 49; bệnh binh: 07)

Tổng số liệt sĩ: 222.  Trong đó:

-              Chống Pháp:  61

-              Chống Mỹ: 153

-              Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam: 8



[1]              Số liệu thống kê của xã An Lục Long năm 2006

[2]              Tính đến cuối năm 2008

[3]              Theo lời kể của ông Trương Đình Nhu

[4]              Đồng chí Phi Long là Bí thư chi bộ xã An Lục Long vừa dự họp Huyện uỷ về (đắc cử Huyện uỷ viên)

[5]              Sáu Hoà là cán bộ xã An Lục Long chạy sang Đồng Sơn Gò Công bị bắt ít lâu thả ra, đồng chí về nhà thì cơ sở An Lục Long tan rã, đồng chí vào chùa ở nên còn gọi là ông Đạo Sáu

[6]              Muốn đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ phải diệt ít nhất 3 tên Mỹ trở lên. Huyện Châu Thành 3 lần bình bầu dũng sĩ diệt Mỹ có 50 dũng sĩ được bầu.

[7]              Năm 1998 nhân dân đã đóng góp xây dựng đài tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

[8]              Theo ghi chép của đồng chí Bảy Đạt

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh
ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ AN LỤC LONG - HUYỆN CHÂU THÀNH
Chịu trách nhiệm chính: Ông Đoàn Bảo An - Chủ tịch UBND xã.
Địa chỉ: ấp Lộ Đá xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Điện thoại: 02723 877 077 Fax: 02723 877 718 
Chung nhan Tin Nhiem Mang